Thứ năm, 19/09/2024, 21:35 PM

Đồng Nai: Ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

(CL&CS) - Theo kế hoạch, mỗi năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đều có các chương trình hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo nhân rộng những mô hình hiệu quả. Giới thiệu, hỗ trợ nông dân ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt

Theo Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 122,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai 6 tháng đầu năm xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Bộ và cao hơn so với bình quân chung cả nước là 6,42%.

ớt

Những trái ớt được người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, đạt năng suất cao 

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng hơn 8,9%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,42% so với cùng kỳ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Riêng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,34%. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt.

Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2,3 triệu con. Trong đó, tổng đàn trâu, bò đều tăng, giảm chủ yếu là do tổng đàn heo. Tổng đàn gia cầm hiện có gần 24,3 triệu con, giảm gần 1,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm đàn chăn nuôi một phần do người chăn nuôi giảm đầu tư, trong đó có ảnh hưởng việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, một số huyện có số số lượng cơ sở chăn nuôi lớn như Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc tiến hành rà soát, di dời, hạn chế phát triển các hộ, trang trại chăn nuôi do chưa đảm bảo điều kiện về môi trường dẫn đến tổng đàn giảm. 

Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định. Giá sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá heo hơi đứng ở mức cao nên người chăn nuôi đang đạt lợi nhuận tốt. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là công tác tiêm phòng luôn được quan tâm, giám sát chặt chẽ. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát từ cơ sở chăn nuôi đến hoạt động vận chuyển, kinh doanh, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương và các đầu mối lưu thông được chú trọng. Do đó tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có phát sinh nhưng chỉ ở thể nhẹ và được phòng chống kịp thời, không phát sinh thành dịch.

Giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường khá ổn định, nhiều mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Các hộ nuôi thủy sản chủ động đầu tư ao, hồ, lựa chọn những con giống phù hợp với điều kiện, khí hậu vùng miền, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 39,7 nghìn tấn, tăng hơn 4,9% so với cùng kỳ.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2008-2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 5,3 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả. Theo kế hoạch năm 2024, hơn 2.000 ha đất lúa đa số được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm. Diện tích đất lúa được chuyển đổi đều là đất kém hiệu quả, không đảm bảo đủ nước tưới, năng suất thấp.

Ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt gần 170 nghìn ha, tăng hơn 390 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, diện tích tăng chủ yếu là các cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như: chuối, sầu riêng, mít... Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt gần 78,3 nghìn ha, là nhóm cây trồng thuộc tốp đầu về cho lợi nhuận tốt. Trong đó, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể trong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để phát triển sản xuất. 

Theo nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh, vụ thu hoạch năm nay, giá sầu riêng luôn đứng ở mức cao, giá đầu mùa có thời điểm bán được 120 nghìn đồng/kg, khi rộ vụ giá sầu riêng vẫn bán được từ 45-55 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm trở lại đây. Nhờ bán được với giá cao, vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng sầu riêng đạt lợi nhuận tốt. 1 ha sầu riêng đạt năng suất, nông dân có thể thu lợi nhuận tiền tỷ.

Hiện toàn tỉnh có 12.654 ha sầu riêng, tập trung vào 2 giống chủ lực là Dona và Ri6. Ngành nông nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh làm mã số vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu chính ngạch đi thị trường Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh được cấp 41 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 1.959 ha, sản lượng 48.975 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 34 vùng trồng đã nộp hồ sơ chờ phê duyệt mã số với diện tích 977 ha.

Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, để sử dụng đất hiệu quả khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp. Theo kế hoạch, mỗi năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có các chương trình hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân.

Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo nhân rộng những mô hình hiệu quả. Giới thiệu, hỗ trợ nông dân ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Đồng Nai có 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu chung đề ra cho toàn ngành nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường.

Kết nối sản phẩm bằng du lịch

Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả không ngừng tăng lên. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả bên cạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đã và đang phát triển du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp. Việc đầu tư khai thác du lịch miệt vườn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ phát triển canh tác thuần túy.

Đi đầu trong khai thác du lịch từ xây dựng nông thôn mới phải kể đến mô hình du lịch sinh thái vườn tại xã Bình Lộc (TP. Long Khánh). Bình Lộc được xem là thủ phủ trái cây của Long Khánh, với những vườn chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… được chăm sóc theo hướng thân thiện môi trường, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan và trải nghiệm thu hoạch trái cây tại vườn cùng người nông dân. Hiện nay, chất lượng trái cây và nông sản xã Bình Lộc được nâng cao.

Các chương trình sản xuất nông sản an toàn, theo hướng VietGAP, hữu cơ và phát triển cây trồng chủ lực... được duy trì hiệu quả. Trái cây Bình Lộc từng giành nhiều thứ hạng quan trọng qua các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sản phẩm chôm chôm Long Khánh từng được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và được cấp chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm trước. Đây là một trong những thuận lợi để xã Bình Lộc tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đồng Nai hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP với 150 sản phẩm được công nhận. Sự đa dạng về chủng loại với nhiều sản vật mang đặc trưng của các địa phương đã được chứng nhận an toàn là thế mạnh cần được khai thác thành sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực, tiêu dùng của khách du lịch như: khô cá kìm, hạt sen, bưởi, gà thảo mộc, sản phẩm chế biến từ quả ca cao, trái cây chế biến…

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất. Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm, mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.

Tùng Lộc

Bình luận

Nổi bật

Doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

Doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

sự kiện🞄Thứ tư, 27/11/2024, 10:19

(CL&CS)- Đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị, cải tiến mô hình quản trị, áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng là một trong những nhân tố hạt nhân then chốt giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp nâng cao niềm tin từ khách hàng và đối tác nhờ tích hợp ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013

Doanh nghiệp nâng cao niềm tin từ khách hàng và đối tác nhờ tích hợp ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013

sự kiện🞄Thứ ba, 26/11/2024, 08:32

(CL&CS) - Hiện nay, việc tích hợp ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013 mang lại một hệ thống quản lý chất lượng và bảo mật thông tin đồng bộ, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm chi phí, nâng cao uy tín và bảo vệ thông tin của khách hàng. Đồng thời, việc này cũng giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững, tuân thủ quy định pháp lý và quản lý rủi ro hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp tăng năng suất lao động, nâng cao sức canh tranh trên thị trường nhờ công cụ 5S

Doanh nghiệp tăng năng suất lao động, nâng cao sức canh tranh trên thị trường nhờ công cụ 5S

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:56

(CL&CS) - Các chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ chính là việc đưa các ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp loại bỏ các lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, hướng mọi hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đặc biệt nhờ vào công cụ 5S.