ToC giúp dẫn lối năng suất và chất lượng bứt phá

(CL&CS) - Khi mọi nguồn lực đều có giới hạn, doanh nghiệp không thể chạy đua theo số lượng hay đầu tư tràn lan mà cần nhìn thấu điểm nghẽn đang kìm hãm hệ thống, từ đó doanh nghiệp cần tìm ra nguyên nhân và hướng áp dụng đến ToC như công cụ tư duy chiến lược để mở lối cho năng suất và chất lượng.

ToC (Lý thuyết về các ràng buộc/Theory of Constraints) là một phương pháp quản lý tập trung vào việc xác định và giải quyết các yếu tố hạn chế (ràng buộc) trong một hệ thống để tối ưu hóa hiệu suất và đạt được mục tiêu. Đây là một công cụ tư duy chiến lược mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp nhận diện trong quy trình để tối ưu hóa toàn hệ thống.

 Tối ưu hóa hiệu suất và đạt được mục tiêu

ToC không phải là công cụ đo lường đơn thuần mà là một tư duy chiến lược toàn diện. Quá trình áp dụng ToC thường bắt đầu với năm bước cơ bản: (1) xác định điểm hạn chế (Identify the constraint); (2) khai thác tối đa năng lực điểm hạn chế (Exploit the constraint); (3) điều chỉnh mọi hoạt động khác để phục vụ điểm hạn chế (Subordinate everything else); (4) tăng năng lực điểm hạn chế nếu cần (Elevate the constraint); và (5) nếu điểm hạn chế thay đổi, quay lại bước đầu tiên (Repeat the process).

Khi áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp, ToC cho phép ban lãnh đạo nhìn rõ đâu là mắt xích yếu trong chuỗi giá trị – có thể là một máy móc quá tải, một công đoạn thao tác chậm, một bộ phận phê duyệt kéo dài hay một quy trình chất lượng rườm rà – và từ đó tái thiết kế dòng chảy công việc để tối đa hóa đầu ra toàn hệ thống, thay vì chỉ chăm chăm cải tiến từng phần nhỏ lẻ.

Tại Việt Nam, ToC đã và đang được một số doanh nghiệp tiên phong áp dụng như một chiến lược cải tiến sâu sắc để tăng năng suất, giảm tồn kho, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao độ tin cậy trong sản xuất. Một trong những minh chứng điển hình là Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TP.HCM), chuyên sản xuất bao bì nhựa công nghiệp và dân dụng.

Trước khi áp dụng ToC, Tân Đại Hưng liên tục gặp tình trạng giao hàng trễ, dù máy móc vẫn hoạt động liên tục và nguyên vật liệu đầy đủ. Qua phân tích toàn bộ quy trình sản xuất, doanh nghiệp xác định công đoạn thổi màng chính là điểm hạn chế, do vừa có năng suất thấp nhất, vừa thường xuyên xảy ra sự cố dừng máy và thay đổi khuôn lâu. Trong khi đó, các bộ phận như in ấn và cắt dán lại có thời gian nhàn rỗi, gây mất cân bằng dòng sản xuất.

ToC sẽ giúp doanh nghiệp xác định nhanh chóng các điểm nghẽn mới phát sinh

Dưới sự tư vấn của chuyên gia cải tiến năng suất, công ty đã triển khai phương pháp ToC theo đúng năm bước cơ bản. Đầu tiên, họ cải tiến kế hoạch vận hành máy thổi, giảm thời gian thay khuôn, điều chỉnh lịch sản xuất để tối ưu hóa hoạt động của công đoạn này. Tiếp đó, toàn bộ các bộ phận khác được điều phối để vận hành cho nhịp độ của điểm hạn chế, thay vì hoạt động tự do như trước. Đồng thời, công ty đầu tư thêm một máy thổi mới, nhưng chỉ sau khi khai thác tối đa năng lực thiết bị hiện có.

Chỉ trong vòng 4 tháng, năng suất toàn bộ dây chuyền sản xuất bao bì tăng hơn 25%, thời gian giao hàng trung bình rút ngắn 35%, lượng hàng tồn kho giảm gần 40%, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Không chỉ dừng lại ở cải tiến công đoạn thổi màng, doanh nghiệp tiếp tục áp dụng ToC để cải tiến chuỗi cung ứng và quản lý kho, từ đó tạo ra dòng chảy vật tư đồng đều, hạn chế lãng phí và mất cân bằng trong sản xuất.

Trong xu hướng hiện nay, việc tích hợp dữ liệu sản xuất theo thời gian thực với ToC sẽ giúp doanh nghiệp xác định nhanh chóng các điểm nghẽn mới phát sinh và phản ứng linh hoạt hơn, ToC chính là công cụ chiến lược để doanh nghiệp tại Việt Nam bứt phá giới hạn, tạo ra năng suất và chất lượng vượt trội từ chính nguồn lực hiện có.

TIN LIÊN QUAN