Thứ ba, 13/06/2023, 12:47 PM

Xây dựng khung thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

(CL&CS)- Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động... góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Sáng 12/6, tại Hà Nội, Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” đã được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Dự án Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường biển, do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế, Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ); Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến cơ chế thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng ở Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Thực tiễn công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đặc biệt nhịp tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể.

kinh-te-tuan-hoan20230612104141

Xây dựng khung thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống, kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, bao gồm cả đất đai, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng…

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối về các dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn nhằm: Tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất, và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Lợi ích của kinh tế tuần hoàn rất lớn, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: Nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...

Do kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau. Đặc biệt, bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước nói chung và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trong các tháng đầu năm 2023 nói riêng cũng đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy “phục hồi xanh”.

Cùng với đó, cần sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp… mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương.

Với những chia sẻ, những góc nhìn về thực trạng, các rào cản và đề xuất được các chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, CIEM kỳ vọng sẽ sớm đề xuất được một cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới đây; đồng thời, sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới.

Thế Anh

Bình luận

Nổi bật

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn nông nghiệp chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:03

(CL&CS) - Các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.