Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp bứt phá
Thảo luận tại tổ sáng 24.10, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí đánh giá của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024. Để giữ vững tăng trưởng kinh tế, một số đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng, đẩy dòng vốn chảy vào tiêu dùng và sản xuất, tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá.
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh): Đẩy dòng vốn "chảy" vào tiêu dùng và sản xuất
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 4,24%, lạm phát cơ bản tăng 4,49%; bình quân 1 tháng khoảng 15 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về vốn đăng ký và giảm 1,2% về số lao động; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục dưới mức trung tính 50 từ tháng 3.2023… Những con số này cho thấy sự thu hẹp các điều kiện kinh doanh trong khu vực sản xuất. Thực tế này tiếp tục đặt áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5% lên quý IV, trong khi vẫn còn thách thức rất lớn trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh để tạo được bứt phá trong những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng tốc cho năm 2024 và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Cụ thể, cần phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền và vòng quay tiền, đẩy dòng vốn chảy vào tiêu dùng và sản xuất, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Tăng trưởng cung tiền hiện đang rất eo hẹp, vòng quay tiền bị chậm lại chỉ còn khoảng 0,64 vòng/năm, nguồn tiền, nguồn vốn bị nghẽn lại do hàng tồn kho tăng mạnh; các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân chậm, gói hỗ trợ 2% chỉ đạt 1,95%... Độ trễ của các gói phục hồi, trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài giảm, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt vẫn là áp lực lớn cho doanh nghiệp. Do vậy, cần quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ.
Cử tri ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã liên tiếp điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế, cung cấp nguồn “oxy” cho doanh nghiệp, cần mạnh dạn nới lỏng điều kiện, thủ tục để các chủ thể tự tin tăng cường giải ngân các gói hỗ trợ, doanh nghiệp cũng dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi, tránh tình trạng “đói vốn nhưng vẫn ế vốn”.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm
Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, khu vực nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng và là điểm sáng của nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, khu vực công nghiệp đang dần phục hồi và có chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, cán cân thương mại tăng mạnh so với cùng kỳ; tiêu dùng trong nước tăng cao; đầu tư được chú trọng quan tâm, vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 6,8%. Vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ cao khoảng 35% tổng chi ngân sách nhà nước, ước thực hiện cả năm vượt dự toán Quốc hội giao. Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho đầu tư phát triển hạ tầng đã phần nào góp phần vào phát triển kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, 9 tháng và ước thực hiện cả năm nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng ở mức thấp, 9 tháng tăng trưởng đạt 4,24%, thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản Chính phủ xây dựng (ước cả năm tăng trưởng 5%). Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, khu vực dịch vụ thấp nhất từ năm 2011 đến nay; lạm phát cơ bản tăng cao hơn so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng. Nhiều khoản thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán như thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm… Số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng cũng đạt mức thấp so với cùng kỳ.
Từ những hạn chế trên, Chính phủ đã chỉ ra nhiều nguyên nhân và đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ rõ nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2023 đối với từng cơ quan Trung ương và địa phương. Tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung, không rõ trách nhiệm dẫn đến hiệu quả triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn.
Đối với dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% trong năm 2024 là còn cao, bởi năm 2024 có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu quan trọng liên quan đến tăng trưởng năm 2024 được đề xuất thấp hơn năm 2023 như tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân. Chính phủ cũng chưa công bố các kịch bản tăng trưởng để so sánh, lựa chọn. Trong bối cảnh trên, nên xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2024 từ 5,5 – 6% là hợp lý.
ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa): Thực hiện nhất quán, thông suốt chủ trương từ Trung ương xuống cơ sở
Tôi cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2023 như: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi, dự báo GDP tăng trưởng đạt 5%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ những hạn chế cần phân tích sâu hơn để tìm ra nguyên nhân, nhất là vấn đề tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm, 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 22,3%, bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Trong báo cáo cũng chưa thể hiện rõ các nguyên nhân, trong khi đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù Trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương thì thực hiện một cách quá chặt chẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Ở khía cạnh khác, tình trạng này cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh còn chậm trong lập, phê duyệt, triển khai, gây tắc nghẽn trong vấn đề liên quan đến đất đai, làm ảnh hưởng đến việc đầu tư tư nhân vì không có quy hoạch thì không thể triển khai được các dự án.
Do đó, đối với việc triển khai các quy hoạch, các cơ quan chức năng phải khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm và sâu sát trong công tác này; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, sớm tạo được điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư tham gia mở rộng kinh doanh, sản xuất, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Về lĩnh vực du lịch, thời gian gần đây tuy chủ trương từ Trung ương rất thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách nhưng thực tế tại địa phương, ở một số cửa khẩu, thủ tục nhập cảnh còn rất khó khăn, rườm rà, chậm chạp, gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch. Nếu không có các cải cách mạnh mẽ và triệt để trong cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính thì việc phục hồi, phát triển du lịch sẽ không dễ dàng.
Tôi cho rằng, ở lĩnh vực tài chính cũng như trong lĩnh vực quản lý du lịch, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần quán triệt và thực hiện nhất quán, thông suốt đường lối, chủ trương từ Trung ương xuống cơ sở, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, tường minh, chi tiết để thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Minh Trang - Thanh Chi - Hoàng Ngọc ghi
Bình luận
Nổi bật
Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11
(CL&CS) - PV GAS TRADING tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh tăng trưởng toàn diện và các kỷ lục đột phá trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang trải qua nhiều biến động phức tạp.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 15:29
(CL&CS) - Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng xanh VinEG (“VinFast Energy”), Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam (“Schneider Electric”) và Công ty TNHH Năng lượng Môi trường Biển Đông (“ESEC”) đã ký kết thoả thuận hợp tác phát triển giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến, qua đó thúc đẩy lĩnh vực quản lý năng lượng tại Việt Nam.
FrieslandCampina: Hành trình đến top đầu về sáng kiến tiếp cận dinh dưỡng toàn cầu
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:09
(CL&CS)- Hơn 150 năm hình thành và phát triển, FrieslandCampina luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh cung cấp các sản phẩm sữa dinh dưỡng với giá cả phải chăng nhất cho người dân toàn cầu, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.