Thứ năm, 02/12/2021, 21:38 PM

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên các hoạt động thương mại điện tử

(CL&CS)- Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng mạng tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Có thể nói, thương mại điện tử đã, đang và sẽ ngày càng phát triển do những lợi ích rõ ràng mà phương thức này mang mại.

Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

1575798059-thuong-mai-dien-tu

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên các hoạt động thương mại điện tử

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động thương mại điện tử cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khiến người tiêu dùng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng. Tình hình tiếp nhận yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại Bộ Công Thương trong những năm gần đây cho thấy, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử đang gia tăng liên tục. Trong giai đoạn 2019-2021, trung bình mỗi năm đã tiếp nhận và xử lý trên 200 khiếu nại, yêu cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên bao gồm: Hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại…

Trước xu hướng nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai những hoạt động nhằm tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, cụ thể:

Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Ngày 25 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.

Theo quy định mới, thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể: Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng. Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy. Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Như vậy, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.

Ngoài ra, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong quá trình này, một trong số những nhóm chính sách lớn dự kiến sẽ được xem xét chính là các quy định liên quan đến các giao dịch đặc thù, trong đó có các quy định liên quan đến thương mại điện tử và các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật

Trước sự gia tăng về số lượng các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội thảo chuyên đề và xây dựng ấn phẩm tuyên truyền với nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Thông qua đó, cộng đồng doanh nghiệp ý thức rõ hơn về lợi ích của doanh nghiệp khi thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, người tiêu dùng được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi giao dịch qua mạng.

Bên cạnh việc tổ chức hội thảo tuyên truyền, Bộ Công Thương đã liên tục đưa các tin, bài về thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, lưu ý cho người tiêu dùng. Mục tiêu của hoạt động này nhằm giúp người tiêu dùng có được các kỹ năng cần thiết trên môi trường mạng, từ việc nhận biết website thương mại điện tử đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương, đọc - hiểu các điều kiện, điều khoản của website, nhận biết nhận xét có dấu hiệu giả về hàng hóa,… cho đến việc phản ánh, khiếu nại hiệu quả khi nhận thấy quyền lợi bị vi phạm.

Đồng thời, nhận thấy đây là lĩnh vực nóng của nền kinh tế và xã hội, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các đơn vị truyền hình, báo chí để cung cấp thông tin cho những sự kiện liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Hà Nội triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ

Hà Nội triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt

Xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 16:22

(CL&CS) - Có thể thấy, người tiêu dùng Việt Nam luôn tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khoải đánh giá trước khi mua hàng. 71% cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%.

Sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá

Sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 15:49

(CL&CS)- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 33/2024/TT-BYT quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.