Thứ tư, 03/04/2024, 15:38 PM

Phát triển tài sản trí tuệ trong khoa học và công nghệ

(CL&CS) - Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2024. Hoạt động khai mạc sáng 29/3 tại Hà Nội, do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức.

Đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Vừa qua, tại Hà Nội, sự kiện quan trọng mang tên Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã chính thức diễn ra dưới sự phối hợp của Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Hội nghị Sở hữu trí tuệ hằng năm đã trở thành diễn đàn quan trọng của ngành khoa học và công nghệ, nơi Bộ Khoa học và Công nghệ, trực tiếp là Cục Sở hữu trí tuệ báo cáo về hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại Trung ương. Hội nghị cũng là nơi để trao đổi về hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, ở các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Hội nghị năm nay được tổ chức tại Hà Nội càng có ý nghĩa hơn khi Hà Nội là thành phố đứng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023. Đây cũng là địa phương có tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đứng đầu cả nước. “Các kinh nghiệm của Hà Nội trong việc xây dựng và khai thác tài sản trí tuệ sẽ được học hỏi, nhân rộng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hoạt động sở hữu trí tuệ của cả nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2023 hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 3 Nghị định và 2 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh; số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tăng 13,2% so với năm 2022…

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 02 bậc so với năm 2022) và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cũng cần thẳng thắn đánh giá, bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn với hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Nhiều hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đang đứng trước thách thức to lớn của việc phải đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước như vấn đề tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hiệu quả của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương…

Hội nghị Quản lý nhà nước về SHTT năm 2024.

Hội nghị Quản lý nhà nước về SHTT năm 2024.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội cho hay, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp quan trọng là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian gần đây, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp tăng lên đáng kể đã góp phần nâng cao giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng bằng và đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu kết quả xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Năm 2023, công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (SHCN) của các địa phương đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN, hoạt động tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo. Một số địa phương tiêu biểu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Cần Thơ, An Giang, v.v.. đã thực hiện công tác quản lý nhà nước về SHCN đạt kết quả tốt.

Những kết quả trên cho thấy hoạt động quản lý nhà nước về SHCN ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cụ thể, năm 2023, Cục SHTT đã tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022), bao gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%).

Cục xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); cấp 36.977 văn bằng bảo hộ SHCN các loại (giảm 12,5% so với năm 2022).

Năm 2023, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHCN nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN thể hiện ở việc tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã có có 3.049 vụ xâm phạm quyền đã được xử lý (chủ yếu là đối với nhãn hiệu) với tổng số tiền phạt là 36.735.363.000 đồng và hơn 340.000 sản phẩm bị xử lý, tăng 213% về số vụ và 204% tổng số tiền phạt so với năm 2022 (1.430 vụ với tổng số tiền phạt hơn 18 tỉ đồng).

Hoạt động hỗ trợ thực thi quyền SHTT cũng đã được Cục SHTT quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc cung cấp 306 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền (tăng 40% so với năm 2022); tham dự 07 vụ việc đã kết thúc giải quyết tại tòa án.

Ông Nguyễn Văn Bảy cũng cho biết, trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền SHTT của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.

Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ở cả trung ương và địa phương./.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:43

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng kiểm tra, động viên, thúc đẩy các dự án cao tốc trọng điểm

Thủ tướng kiểm tra, động viên, thúc đẩy các dự án cao tốc trọng điểm

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 08:43

(CL&CS) - Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 08:42

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 42/CĐ-TTg ngày 1/5/2024 về vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.