Môi giới địa ốc khó tìm được nguồn hàng phân phối

Giám đốc một doanh nghiệp môi giới địa ốc tại TP.HCM chia sẻ, nhu cầu mua nhà để ở lẫn đầu tư tăng lên rõ rệt, nhưng với doanh nghiệp môi giới để tìm được sản phẩm phân phối là vô cùng khó.

Từ đầu năm tới nay, tâm lý thị trường bất động sản có sự cải thiện rõ nét. Lượng khách hàng có nhu cầu tìm mua nhà đất tăng nhanh, các doanh nghiệp địa ốc đang tuyển dụng nhân sự, lên kế hoạch triển khai dự án. Tuy nhiên, cả bên mua và bên bán đều đang loay hoay với một thực tế là bên mua săn tìm dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, hoàn thiện pháp lý… nhưng nguồn cung khan hiếm, doanh nghiệp môi giới không có nguồn hàng để bán.

Thời gian qua, thanh khoản thị trường bất động sản ghi nhận đã có sự cải thiện rõ nét, nhất là tại phân khúc căn hộ. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng khởi sắc hơn. Nhiều doanh nghiệp công bố dự án ra thị trường, trong đó có không ít dự án cũ được tái khởi động.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Service (DXS-FERI), tại TP.HCM giá bán căn hộ mới giữa quý II/2024 tăng 2-3% theo tháng, lên đến 82 triệu đồng/m2. DXS-FERI cho biết, đà tăng giá không chỉ ở dự án lần đầu ra mắt thị trường, mà cả rổ hàng của các dự án cũ. Dù vậy, ít dự án đưa ra chính sách bán hàng đột phá để kích cầu như năm ngoái.

Dữ liệu của DKRA Group cũng cho thấy, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM và vùng lân cận đạt hơn 1.300 căn trong tháng 5/2024, tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng TP.HCM chiếm gần 80% nguồn cung sơ cấp, chủ yếu là phân khu hạng sang ở khu Đông Thành phố. Tỷ lệ hấp thụ ở mức cao, khoảng 62%.

z5552824345485_47e8d856087f1c2cba0690493195835a

Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc có nhiều chuyển biến tích cực từ đầu năm tới nay. Thị trường có thêm nguồn cung mới khi nhiều chủ đầu tư bắt đầu triển khai hàng loạt dự án. Các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off… diễn ra rầm rộ. Mặc dù các dự án được mở bán trong thời gian này chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp trở lên nhưng đều được quan tâm, với lượng booking và kết quả bán hàng ấn tượng, lý do bởi nhu cầu đầu tư trên thị trường đang rất lớn, kể cả với phân khúc hạng sang và cao cấp, chứ không riêng nhu cầu ở thực.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, thị trường bất động sản đang chuyển biến tích cực, song thực tế là doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Ông Châu kỳ vọng, trong thời gian tới, khi các luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản mới cùng với các Nghị quyết thí điểm chính thức có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/8/2024) sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, dự án, từ đó gia tăng nguồn cung sản phẩm cho thị trường.

“Tất cả các chủ thể liên quan đều phải nỗ lực chung tay tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các thị trường tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, từ đó tác động tích cực tới thị trường bất động sản”, ông Châu nói, đồng thời chia sẻ thêm, so với năm 2023 thì đến nay, các doanh nghiệp địa ốc đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thách thức trước mắt vẫn rất lớn. Do đó, dự kiến đến cuối năm nay, thị trường bất động sản mới bước vào giai đoạn hồi phục.

Trong báo cáo phân tích ngành, FiinRatings đưa ra nhận định, trong năm 2024, các nhà phát triển bất động sản dân cư sẽ còn đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế… tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.

Theo đó, sẽ có sự phân hóa rõ nét trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn chung. Các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có quỹ đất sạch được tích lũy qua nhiều năm, có tiến độ và chất lượng dự án được đảm bảo với dòng sản phẩm đa dạng… sẽ có thể tiếp cận đa dạng các kênh huy động vốn và có sức chống chịu tốt hơn trước các diễn biến bất lợi của thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, khó khăn thời gian qua chính là cơ hội nhìn lại mình và nhìn về tương lai để hoạch định, lựa chọn hướng đi phù hợp, tạo ra doanh nghiệp bền vững hơn.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Dịch vụ phát triển dự án, DKRA Group cho rằng, lúc này, thương hiệu của các chủ đầu tư, nhà phát triển, công ty dịch vụ môi giới có uy tín, có sản phẩm đã kiểm chứng, bề dày kinh nghiệm sẽ được khách hàng đặt niềm tin.

“Chu kỳ chuyển tiếp của thị trường ở thời điểm hiện tại sẽ khác với giai đoạn trước là chỗ nào cũng tăng giá, thay vào đó là tập trung vào khu vực, phân khúc nhất định. Trong đó, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý hoàn thiện sẽ là phân khúc chủ đạo của thị trường”, ông Thắng nói và dẫn chứng, ở TP.HCM, dòng sản phẩm căn hộ có giá tầm trung, hoàn thiện pháp lý, chủ đầu tư có năng lực xây dựng dự án bài bản chắc chắn không lo không bán được hàng, hay với phân khúc nhà liền thổ có sổ hồng sẽ càng trở nên đắt đỏ hơn do nguồn cung khan hiếm. Về yếu tố khu vực, có thể xem xét đến kết nối hạ tầng, thuận tiện việc đi lại, đang có tốc độ đô thị hóa nhanh…, ngược lại sẽ còn phải chờ đợi rất lâu.

Thanh Xuân

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59

Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.