Thứ hai, 14/10/2024, 14:30 PM

Chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

(CL&CS) - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa rõ ràng, xây dựng chương trình khuyến mại, chế độ hậu mãi… là những giải pháp mà các Sở, ngành, quận, huyện Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh.

Tiềm ẩn những yếu tố khó lường

Thời gian qua, bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường.

Trong đó, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Đặc biệt, là hoạt động sử dụng các trang thương mại điện tử, ứng dụng điện tử, các trang mạng xã hội để livetreams bán hàng qua facebook, zalo, shopee, tiktok... với địa điểm kinh doanh là các nhà dân trong khu dân cư, các căn hộ trong các khu chung cư hoặc từ tỉnh ngoài... khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định địa điểm kinh doanh.

Không chỉ được bán trên mạng, các loại hàng giả, kém chất lượng còn bày bán tràn lan trên các vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội, khiến người tiêu dùng như bị lạc vào “ma trận”.

1

Quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền qua chương trình xúc tiến thương mại.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, đơn vị này đã kiểm tra, xử lý 3.229 vụ việc; phạt hành chính 50 tỉ 521 triệu đồng; số thu lời bất hợp pháp 145 triệu 788 nghìn đồng; trị giá hàng hóa tịch thu đã bán 14 tỉ 790 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy, tái chế 33 tỉ 417 triệu đồng; thanh tra chuyên ngành 134 triệu đồng trong công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Điển hình như trong dịp Tết Trung thu vừa qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện cửa hàng tại xã La Phù, huyện Hoài Đức đang kinh doanh hàng hoá là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 quận Ba Đình cũng đã tiến hành kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Tại số 115, Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng…

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Có thể thấy, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang tiếp diễn ngày càng tinh vi, mở rộng nhiều hình thức mới. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đang nỗ lực có thêm các giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có các chủ trương, ban hành kế hoạch về triển khai hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Thành phố định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2

Các đơn vị tham gia Hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2024.

Các nội dung hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được Thành phố tổ chức và thực hiện như: Lễ phát động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”; Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng”...

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội trên địa bàn Thành phố triển khai tổ chức các hoạt động, sự kiện theo Kế hoạch được phê duyệt... Cục Quản lý thị trường Thành phố phối hợp triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung của kế hoạch; tiếp nhận, tư vấn, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp khẳng định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội…

Thành phố đã tổ chức hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng” với quy mô khoảng 160 gian hàng của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia phải niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng. Cùng với đó là triển khai các hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như: miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối với người tiêu dùng…

Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800 - 1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có mức giảm giá từ 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại. Đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; hội chợ làng nghề; hội chợ quốc tế; quảng bá sản phẩm OCOP chất lượng đến người dân Thủ đô.

Để công tác bảo vệ quyền lợi được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan của Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng…

Tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng để thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

Chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

sự kiện🞄Thứ hai, 14/10/2024, 14:30

(CL&CS) - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa rõ ràng, xây dựng chương trình khuyến mại, chế độ hậu mãi… là những giải pháp mà các Sở, ngành, quận, huyện Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh.

Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

sự kiện🞄Thứ ba, 08/10/2024, 10:05

(CL&CS)- Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025.

Siêu thị tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”

Siêu thị tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”

sự kiện🞄Thứ năm, 03/10/2024, 07:44

(CL&CS) - Nhằm từng bước loại bỏ những sản phẩm không đạt chuẩn khỏi thị trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ đã “bắt tay” tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”.