Thứ tư, 23/06/2021, 13:55 PM

Bắc Giang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

(CL&CS) - Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới, khôi phục sản xuất, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường với mục tiêu đến ngày 01/7/2021, cơ bản các doanh nghiệp trong KCN hoạt động sản xuất trở lại.

Chuỗi sản xuất đã khởi động trở lại

Sau hơn một tháng tổng tiến công chống dịch, Bắc Giang đã thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của dịch và hướng tới khống chế, dập dịch hoàn toàn và tỉnh đã nhanh chóng khôi phục hoạt động của các KCN.  

Cập nhật thông tin với Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống, ông Đào Xuân Cường – Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, kể từ ngày UBND tỉnh quyết khôi phục dần hoạt động bốn KCN (ngày 25/5/2021) đến nay, đã có 152 doanh nghiệp đã đủ điều kiện trở lại hoạt động.

Trong đó 102 doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Còn 50 doanh nghiệp còn lại còn đang sắp sếp, đón người lao động trở lại làm việc dự kiến trong vài ngày tới sẽ trở lại hoạt động.

Bắc Giang nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp trong điều kiện phải bảo đảm an toàn dịch bệnh - Ảnh Hồng Minh

Bắc Giang nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp trong điều kiện phải bảo đảm an toàn dịch bệnh - Ảnh Hồng Minh

Việc các doanh nghiệp trong 4 KCN ở Bắc Giang trở lại hoạt động là tín hiệu mừng, không chỉ có ý nghĩa và giá trị với doanh nghiệp, với tỉnh mà có tác động đáng kể đến cả nền kinh tế.

Bắc Giang là một trong những trọng điểm sản xuất công nghiệp của cả nước. Tại Bắc Giang đã có những dự án của những doanh nghiệp quy mô lớn trên thế giới như: Foxconn, Luxshare, Goertek, Hosiden, Samkwang Vina, Seojin…

Trong các KCN ở Bắc Giang có những doanh nghiệp đang sản xuất linh phụ kiện phụ trợ chính (vender cấp 1) cung cấp cho các hãng lớn đang hoạt động tại các tỉnh khác và ở nước ngoài như Samsung, Apple, LG… 

Cũng tại đây có những doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm như các Công ty TNHH: Fuhong Precision Component, Hosiden Việt Nam, Si Flex Việt Nam, Vina Solar Technology...

Trở lại hoạt động doanh nghiệp có cơ hội hoàn thành kịp các đơn hàng đúng hạn. Người lao động có việc làm, có thu nhập. Tránh sự đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là mắt xích quan trọng.

Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch

Toàn tỉnh Bắc Giang có 6 KCN, 5 khu đã đi vào hoạt động trong đó có 365 doanh nghiệp. Nhưng rủi ro dịch COVID-19 đã ập tới 4 KCN. Trong tình huống cấp bách, tỉnh quyết định đóng cửa, cách ly 4 KCN từ ngày 18/5 để khống chế dịch bệnh.

Sau 7 ngày gồng mình khẩn trương và quyết liệt chống dịch,  ngày 25/5, UBND tỉnh ra Quyết định số 213 ban hành kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất cho DN trong các KCN. 35 tổ liên ngành kiểm tra, hướng dẫn về điều kiện an toàn phòng chống dịch trong sản xuất được thành lập. 

Nói về Quyết định 213, ngày hôm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã nói: “Khi dịch ở giai đoạn đang bùng phát mạnh, việc đóng cửa các KCN là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch. Khi đã có kinh nghiệm bước đầu, dần kiểm soát dịch thì cần phải tính đến việc khởi động lại chuỗi sản xuất. DN hoạt động trở lại là rất cấp thiết và cũng chính là giải pháp để chống dịch”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết Bắc Giang đã xây dựng mô hình sản xuất trong tình hình mới bảo đảm an toàn dịch bệnh. 

Đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động là cấp thiết nhưng không ồ ạt. Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn về phòng dịch tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện an toàn và phải cam kết tuân thủ các quy định về phòng chống dịch mới được trở lại sản xuất.

Theo đó từ cuối tháng 5 tới nay, từng bước, từng đợt Bắc Giang đưa dần các doanh nghiệp đủ điều kiện trở lại sản xuất, đến nay số doanh nghiệp trở lại sản xuất là 152. Những ngày tới con số này sẽ tăng lên.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, tỉnh tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tổ chức hoạt động sản xuất trở lại của các doanh nghiệp đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống, dịch Covid – 19.

Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới

Theo con số cập nhật mà Trưởng ban Quản lý các KCN ở Bắc Giang cho biết đến ngày 21/6/2021 số lao động đã đi làm trong các KCN là 16.000 người.

Một số doanh nghiệp đang chạy công suất ở mức 10-20%.

Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới, khôi phục sản xuất, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường với mục tiêu đến ngày 01/7/2021, cơ bản các doanh nghiệp trong KCN hoạt động sản xuất trở lại.  

Để đạt mục tiêu này, từ ngày 21/6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN khôi phục sản xuất với 7 nội dung cơ bản.

Trong đó tỉnh tập trung ưu tiên tiêm vaccine Covid – 19 cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp trong các KCN; lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa. Và sự hỗ trợ căn cơ nhất, theo ông Cường cho biết đó là  hỗ trợ các doanh nghiệp phương án phòng, chống dịch.

Bắc Giang đã có phương án hỗ trợ doanh nghiệp bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động - Ảnh Hồng Minh

Bắc Giang đã có phương án hỗ trợ doanh nghiệp bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động - Ảnh Hồng Minh

Nội dung hỗ trợ đầu tiên đặt ra trong phương án là hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán thiếu hụt về lao động. Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa có đủ công nhân quay trở lại làm việc do một số công nhân vẫn đang ở khu cách ly, một số khác đã trở về quê, và một số lo ngại dịch bệnh chưa muốn đi làm…

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động trở lại làm việc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xác nhận người lao động đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch COVID – 19… và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động mới.

Để bảo đảm sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất thì DN phải có đủ các điều kiện để công nhân ăn, ở bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện này.

Vì vậy tỉnh đã có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trí chỗ ở tập trung cho người lao động trong doanh nghiệp là làm sạch khu nhà trọ. Ngoài chỗ ở trong doanh nghiệp, trước mắt tỉnh lên phương  bố trí lao động ở tại các nhà nghỉ, khách sạn, các trường học chuyển đổi công năng....  

Các nội dung hỗ trợ khác là hỗ trợ doanh nghiệp bố trí khu vực cách ly tập trung khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển hàng hóa và đưa đón người lao động.

Bắc Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng; tháng 8/2021 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; tháng 9,10/2021 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng; từ tháng 11/2021 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng.

Đến hết 7/2021 đạt khoảng 30.000 người lao động đi làm trở lại và đến hết 8/2021 đạt khoảng 50.000 người; đến hết 10/2021 đạt khoảng 100.000 người; từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 120.000 người.

Dự kiến số chỗ lưu trú tập trung cho lao động theo mô hình mới: đến hết 7/2021 đạt khoảng 7.000 người; đến hết 8/2021 đạt khoảng 12.000 người; đến hết 10/2021 đạt khoảng 25.000 người; từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 35.000 người.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Hà Linh Lan – Hồng Minh

Bình luận

Nổi bật

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn nông nghiệp chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:03

(CL&CS) - Các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.