Thứ ba, 22/06/2021, 11:24 AM

VASEP kiến nghị kiểm tra hàng hóa thông qua một cửa

(CL&CS) - VASEP đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét đưa vào Dự thảo Nghị định quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra ATTP, vừa kiểm dịch cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống một cửa quốc gia, thay vì 2 cửa (vừa nộp trên hệ thống một cửa, vừa nộp hồ sơ giấy) như hiện nay.

Kiến nghị cho hàng kiểm dịch, hàng vừa kiểm tra ATTP vừa kiểm dịch được làm thủ tục trên hệ thống một cửa. Ảnh minh họa

Kiến nghị cho hàng kiểm dịch, hàng vừa kiểm tra ATTP vừa kiểm dịch được làm thủ tục trên hệ thống một cửa. Ảnh minh họa

Ngày 17/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 68/CV-VASEP (CV 68) góp ý Dự thảo Nghị định kiểm tra Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu. Tại CV 68, VASEP và doanh nghiệp (DN) thuỷ sản đánh giá cao Bộ Tài chính và Ban soạn thảo của Bộ Tài chính đã luôn chủ động và tích cực trong việc tổng hợp, rà soát, tiếp thu ý kiến và xây dựng các quy định trong Dự thảo để cộng đồng DN và các cơ quan có thể làm thủ tục nhập khẩu theo cơ chế một cửa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo thuận lợi cho cả DN lẫn các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Thiết chế xuyên suốt này kèm các cơ chế, phương thức, thủ tục được đưa ra trong Dự thảo có tính xây dựng và thực thi cao, tiệm cận với mô hình các nước tiên tiến và khu vực đang triển khai mà Hiệp hội cùng cộng đồng DN mong đợi, đánh giá cao.

Vì tầm quan trọng của Đề án và Dự thảo nên trong suốt 5 tháng qua, VASEP cùng các Hiệp hội ngành hàng khác đã theo sát các Dự thảo và tiến trình, ghi nhận và đánh giá cao việc Ban soạn thảo của Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi, góp ý cho Dự thảo với các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN; lắng nghe và tiếp thu các góp ý, đề xuất tích cực, phù hợp từ các Hiệp hội, DN mà gần đây nhất là cuộc họp sáng 11/6/2021 tại Hà Nội với 8 Hiệp hội ngành hàng có liên quan.

Đối với các nội dung kiểm tra nhà nước về ATTP, VASEP và các hiệp hội về thực phẩm đã xem xét kỹ và thấy rằng Dự thảo ngày 4/6/2021 đã tiếp thu được hầu hết những cải cách tích cực, hiệu quả trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. 

Dự thảo cũng đã đưa một cải cách mới về việc cho phép đăng ký thực phẩm chứa phụ gia mới (chưa có trong NĐ 15/2018) vào trong Dự thảo để tháo gỡ khó khăn cho các DN tồn tại từ nhiều năm nay. Về một vài bất cập còn lại, Ban soạn thảo của Bộ Tài chính cũng đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các Hiệp hội tại Dự thảo ngày 4/6/2021 trong cuộc họp ngày 11/6/2021 để chuyển tải đầy đủ các cải cách của NĐ 15/2018 vào Dự thảo Nghị định mới, rất mong Dự thảo sẽ được hoàn thiện sớm mấy điểm này.

Đối với các nội dung về kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá trong Dự thảo, VASEP hoàn toàn nhất trí với những cải cách mới được đưa ra trong Dự thảo, mà vai trò và trách nhiệm của DN và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan được rõ ràng và đầy đủ.

Tại CV 68, VASEP cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét đưa vào Dự thảo Nghị định quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra ATTP, vừa kiểm dịch cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống một cửa quốc gia, thay vì 2 cửa vừa nộp trên hệ thống một cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay để tháo gỡ một khó khăn lớn cho sản xuất, kinh doanh nhiều năm qua mà NĐ 15/2018 chưa giải quyết được. Các quy định về quản lý, phương thức, cơ chế đối với nhóm “kiểm dịch” và “vừa kiểm dịch, vừa kiểm tra ATTP” như hiện nay sẽ được trao đổi, thống nhất tại một văn bản QPPL khác hoặc với Bộ NN&PTTN tại các Thông tư của Bộ.

VASEP cũng phân tích lý do để đưa ra đề nghị này là vì thực phẩm dùng làm thức ăn cho người đều từ hai nguồn là: động vật và từ thực vật. Với nguồn từ động vật, thì Bộ N&NPTNT đang quy định (danh mục, phương thức kiểm tra, thủ tục…) tại bốn Thông tư. Trong đó, Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT (TT 25/2016) và Thông tư 35/2018/TT-BNNPTNT (TT 35/2018) là cho động vật trên cạn; Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT TT (26/2016) và Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT 36/2018) là cho thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản.

Đánh giá và nhận định sơ bộ của Hiệp hội và các chuyên gia, thì với quy định hiện hành này của Bộ NN&PTNT, có đến ít nhất 70% thực phẩm sẽ không thuộc phạm vi của Dự thảo Nghị định, và như vậy mục tiêu lớn lao của QĐ38/2021/QĐ-TTg và Dự thảo này sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Việc loại trừ các sản phẩm phải kiểm dịch và các thực phẩm vừa kiểm dịch vừa kiểm tra ATTP ra khỏi Đề án Dự thảo Nghị định này sẽ dẫn đến bất cập lớn là cùng nhóm hàng thực phẩm, nhưng phải chia ra 2 loại thủ tục, 2 biểu mẫu khác nhau, làm ở 2 cửa khác nhau, 2 quy trình khác nhau; cũng như làm hiệu quả cải cách giảm đi rất nhiều, vì đa số thực phẩm vẫn phải làm theo quy trình cũ. Khi chưa thể cải cách được quy định và quy trình kiểm dịch, thì việc cải cách để đưa thủ tục kiểm dịch lên hệ thống một cửa quốc gia sẽ giúp công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho xã hội và đúng với chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về phát triển Chính phủ điện tử.

Nguyễn Ngọc

Bình luận

Nổi bật

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:08

(CL&CS) - Ban Cơ yếu Chính phủ đang lấy ý kiến về quy định, tiêu chuẩn liên quan đến kỹ thuật mật mã và mã khối MKV.

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 10:15

(CL&CS) - Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp doanh nghiệp đảm bảo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:00

(CL&CS) - Vào tháng 1 năm 2024, Tiến sĩ Sung Hwan Cho (Hàn Quốc) đảm nhận vị trí mới là Chủ tịch ISO. Trong thông điệp chào mừng, ông chia sẻ suy nghĩ của mình về cách ISO có thể tăng cường phạm vi tiếp cận của mình để ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện tại và trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông trong hai năm tới.