Thứ sáu, 31/05/2024, 14:29 PM

Thúc đẩy hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc

(CL&CS) - Mới đây, Hội nghị kết nối cơ hội kinh doanh Việt Nam - Trung Quốc đã được diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ủy ban Hợp tác ngành nghề RCEP Trung Quốc tổ chức.

Thúc đẩy sự hợp tác và phát triển giữa hai nước

Hội nghị được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn doanh nghiệp lớn (với hơn 150 các CEO đại diện các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc) do Ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Công nghiệp RCEP Trung Quốc dẫn đầu là một sự kiện đặc biệt nhằm thúc đẩy sự hợp tác và phát triển giữa hai nước.

z5493465730590_bac60b0deb187279f332ef0d890f564d

Các biên bản ký kết khẳng định sự gắn bó, phát triển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc 

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ hợp tác lâu đời và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.

Thông tin tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết, trong 74 năm qua (1950-2024), quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng; giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra sôi động.

Lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục duy trì các chuyến thăm viếng, qua lại lẫn nhau. Đặc biệt, chuyến thăm cấp nhà nước mới đây nhất (tháng 12/2023) của Ngài Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Từ đầu năm 2024, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều hình thức linh hoạt.

z5493465732466_2f2dbb41f1204ecea667ca4e953a9f95

Đại biểu hai nước tới tham dự Hội nghị kết nối cơ hội kinh doanh Việt Nam -Trung Quốc

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua. Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Trong bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 59,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 18 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 41,6 tỷ USD). Bên cạnh đó, tiềm năng hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Trung Quốc là thị trường hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu về hàng hóa đa dạng, hệ thống logistics phát triển cùng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hứa hẹn triển vọng hợp tác ngày càng cao về kinh tế thương mại giữa hai bên.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam (tính đến tháng 3/2024, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD).

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước, trong đó Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia ký kết Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) – 1 FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới mang lại nhiều kỳ vọng trở thành xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam nhu cầu và ưu tiên cao, như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có thu nhập cao, Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm và có chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện chuyển đổi số, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Trung Quốc phát huy và thành công tại Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động, việc tăng cường hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên cấp thiết. Các doanh nghiệp hai nước không chỉ cần phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi, mà còn phải tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hòa chung với chuỗi sản xuất, cung ứng rộng mở của toàn cầu

Cũng tại Hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ Công Thương Việt Nam với vai trò là Bộ đa ngành trong Chính phủ Việt Nam, quản lý đa lĩnh vực của nền kinh tế, luôn đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp, năng lượng, quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng với Trung Quốc.

z5493465706764_8e796971c7186e0895e9b663509b1f2d

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nhiều cơ hội hơn nữa, đưa hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi là một đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu chính sách, giúp Lãnh đạo Bộ quản lý nhà nước về chính sách phát triển quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng của Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, tiểu vùng, các tổ chức kinh tế, thương mại và công nghiệp thuộc khu vực châu Á - châu Phi, trong đó có Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nhiều cơ hội hơn nữa, đưa hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc và vươn lên tầm thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể thông qua Việt Nam để hướng tới thị trường ASEAN hoặc thông qua các thị trường khác mà Việt Nam đã ký kết FTA để hòa chung với chuỗi sản xuất, cung ứng rộng mở của toàn cầu.

Vụ Thị trường châu Á  - châu Phi, Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Hợp tác ngành nghề RCEP Trung Quốc để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Hội nghị sẽ góp phần quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên tìm kiếm thêm thị trường mới, đối tác mới và cơ hội mới, những hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư thực sự, đồng thời trở thành động lực tăng trưởng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. 

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Quy định các hình thức mua bán điện trực tiếp, không để xảy ra cơ chế xin cho

Quy định các hình thức mua bán điện trực tiếp, không để xảy ra cơ chế xin cho

sự kiện🞄Thứ năm, 13/06/2024, 10:35

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; trong đó quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp.

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

sự kiện🞄Thứ tư, 12/06/2024, 15:30

(CL&CS)- Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, nhiều loại hàng hóa sẽ tiếp tục được giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024.

Sớm xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế

Sớm xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế

sự kiện🞄Thứ ba, 11/06/2024, 14:57

(CL&CS)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia...