Công tác Hội
Thứ hai, 11/04/2022, 19:13 PM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(CL&CS) - Ngày 9/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Thành viên Ban Chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Dự họp tại điểm cầu ở các địa phương có Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới sau một thời gian tăng cao khi tiến hành các biện pháp mở cửa, đến cuối tháng 3 đã bắt đầu giảm mạnh, trong khi tỷ lệ và số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong tiếp tục giảm sâu.

Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%.

So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này; đây là số tử vong giảm thấp nhất tính từ tháng 8 năm 2021. Tính chung kể từ khi dịch bùng phát, tỷ lệ tử vong so số ca mắc của Việt Nam hiện ở mức 0,4% (mức trung bình chung thế giới là 1,2%).

Hệ thống y tế đã trụ vững trong đợt cao điểm của dịch với khả năng đáp ứng tối đa 200.000 giường điều trị. Thời điểm số ca nhập viện điều trị cao nhất là khoảng 150.000 trường hợp vào ngày 15/3 và hiện còn khoảng 65.000 trường hợp đang điều trị.

Theo các đại biểu, các nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn; việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phù hợp, kịp thời, đúng thời điểm, đi trước nhiều nước trong khu vực. Điểm khác biệt với các nước là Việt Nam đã chú trọng tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương, trong khi nhiều nước có thực hiện tiêm nhưng chưa chú trọng đến nhóm này (người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị…).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện khá kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Nguyên nhân của những kết quả đạt được là tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận  Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; sự quyết tâm, quyết liệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các Ban Chỉ đạo, chính quyền các cấp; bao phủ vaccine ở mức cao so với thế giới, nhất là với các đối tượng có nhiều rủi ro và từng bước chủ động được nguồn cung thuốc chữa bệnh; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là với việc tiêm chủng vaccine; tích lũy được các kinh nghiệm sau hơn 2 năm phòng, chống dịch và khiêm tốn, cầu thị học hỏi, vận dụng sáng tạo các bài học của thế giới.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập phải cương quyết khắc phục trong thời gian tới. Tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo. Còn lúng túng, bị động trong việc điều trị tại nhà, một số hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu thống nhất. Nguồn nhân lực thiếu hụt khi tình hình diễn biến phức tạp ở một số địa phương, việc điều chuyển nhân lực còn lúng túng. Việc chi trả, thanh toán tài chính với công tác phòng, chống dịch còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Tình hình thay đổi nhưng việc chuyển đổi, các hướng dẫn, biện pháp chưa theo kịp.

Nguyên nhân là có nơi, có lúc, có người còn chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch. Một số Ban Chỉ đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt khi tình hình có thay đổi. Công tác hậu cần, phục vụ tiêm chủng còn có bất cập, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Về nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vaccine hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn. Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.

Minh Anh

Bình luận

Nổi bật

Liên hiệp Hội Việt Nam góp ý kiến với tổ biên tập về nội dung báo cáo kinh tế – xã hội

Liên hiệp Hội Việt Nam góp ý kiến với tổ biên tập về nội dung báo cáo kinh tế – xã hội

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:21

(CL&CS)- Ngày 14/11, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trực tiếp dẫn đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tham quan Trung tâm.

Lãnh đạo VINASTAQ giới thiệu quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Hải Phòng

Lãnh đạo VINASTAQ giới thiệu quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Hải Phòng

sự kiện🞄Thứ ba, 12/11/2024, 08:10

(CL&CS)- Ngày 5/11/2024, tại Hải Phòng, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã tổ chức Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học và công nghệ khu vực đồng bằng Sông Hồng cho các Sở KH&CN địa phương.

Liên hiệp Hội Việt Nam sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

sự kiện🞄Thứ tư, 06/11/2024, 13:48

(CL&CS)- Ngày 5/11, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025".