Phó Tổng giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng: 'Muốn đứng ở thị trường công nghệ cao thì phải có sở hữu trí tuệ'
(CL&CS) - Với 28 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam, 4 sáng chế được công nhận và bảo hộ tại Mỹ tính đến hết tháng 03/2021, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), là đơn vị có số lượng sáng chế được công nhận nhiều nhất Tập đoàn Viettel. Trao đổi với báo chí, Phó Tổng giám đốc VHT, ông Nguyễn Cương Hoàng khẳng định việc đăng ký sáng chế là tất yếu trong bối cảnh thị trường công nghệ đang có sự cạnh tranh lớn như lúc này.
Là đơn vị sở hữu nhiều sáng chế được bảo hộ độc quyền, chắc hẳn VHT có bí quyết?
Đây là kết quả của 10 năm chuẩn bị các khâu về con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng... Chúng tôi phát triển dựa trên VTOPIC - những định hướng rất cơ bản trong nghiên cứu mà Tập đoàn đã quán triệt, nổi bật là các yếu tố công nghệ, hạ tầng, con người và sự cởi mở.
Về hạ tầng, Tập đoàn đã đầu tư khoảng hàng trăm tỉ đồng cho hạ tầng nghiên cứu gồm các lab, các công cụ, phần mềm mô phỏng trong hơn 10 năm qua. Đến bây giờ có thể khẳng định chúng tôi có hệ thống lab hiện đại nhất Việt Nam, và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Quan trọng nhất là yếu tố con người - điều đã được chúng tôi đặc biệt chú ý từ những ngày đầu thành lập. VHT tuyển dụng những kĩ sư tài năng của Đại học Bách Khoa và trong đội ngũ lúc này hơn 30% là tiến sĩ, thạc sĩ từ nước ngoài về, chưa kể những chuyên gia quốc tế hàng đầu. Chúng tôi đang có những chuyên gia đang ngồi ở Mỹ, Singapore, Đài Loan và các chuyên gia đang ngồi chính ở Viêt Nam.
Chúng tôi cũng xác định phải cởi mở trong nội bộ, cởi mở ra bên ngoài, sẵn sàng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trên cơ sở mình làm chủ. Điều này khác biệt với nhiều doanh nghiệp khác vì đôi khi họ giữ miếng, ngay cả trong nhóm nghiên cứu.
Các yếu tố nói trên góp phần tạo nên nền tảng cho ngành nghiên cứu sản xuất, nghiên cứu phát triển của Viettel nói chung và VHT nói riêng.
Đến năm 2017, chúng tôi bắt đầu làm chủ các công nghệ lõi, từ công nghệ lõi đưa vào các sản phẩm. Đến thời điểm này, VHT đã có 54 tài sản trí tuệ được bảo hộ trong nước, trong số đó có 28 sáng chế. Tại Mỹ, chúng tôi có 4 tài sản trí tuệ được bảo hộ, đều là những sáng chế.
Được biết, VTOPIC là định hướng nghiên cứu mà Tập đoàn quán triệt, gồm 5 yếu tố: V (Virtual - Ảo), T (Technology - Công nghệ), O (Open - Cởi mở), P (People - Con người), I (Infrastructure - Hạ tầng) và C (Challenge - Thách thức). Tại sao việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) lại quan trọng với VHT đến vậy, thưa ông?
Công ty nào, tổ chức nào muốn phát triển công nghệ riêng, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì bắt buộc phải chú ý đến vấn đề này từ rất sớm. Nếu để đối thủ copy và đăng ký SHTT trước, chúng ta coi như mất cả công nghệ, mất lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi xác định rõ nếu muốn đứng được ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có SHTT.
Ngoài ra, đây cũng là hình thức để khuyến khích cán bộ công nhân viên, anh em kĩ sư làm sao biến các công nghệ lõi thành các SHTT để đăng ký ở trong nước và quốc tế. Ví dụ Tập đoàn khen thưởng đối với sáng chế đầu tiên được đăng ký ở Mỹ là 100 triệu đồng. Đây chính là động lực cho anh em kĩ sư, những người vốn đã rất bận rộn, vất vả.
Một trong 4 sáng chế của VHT được bảo hộ độc quyền tại Mỹ là Sáng chế về phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ, thuộc Trung tâm Radar. Những sáng chế đã đem lại cho VHT lợi thế như thế nào?
Chúng tôi có những sản phẩm rất hiện đại như: Máy thông tin thế hệ mới nhất (cognitive radio); Rada thế hệ 3D - thế hệ thứ tư - hiện đại nhất bây giờ; Các hệ thống chỉ huy điều khiển có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đấy. Chúng tôi hoàn toàn tự tin những sản phẩm ấy ở cấp thế giới và hoàn toàn có thể mang ra ngoài cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác.
Năm vừa rồi, Tạp chí quốc phòng của Anh cũng bắt đầu nhìn nhận Viettel và VHT là một công ty quốc phòng công nghệ cao. Đấy là điều rất mừng của VHT trong năm qua.
VHT đã từng có xung đột, mà phải dùng quyền bảo hộ SHTT khi nào chưa?
Hiện tại VHT cũng chưa gặp phải vấn đề các xung đột quyền SHTT trong nước. Thứ nhất, những mặt hàng của VHT tương đối đặc thù. Thứ hai là những sản phẩm của chúng tôi hiện tại ở trong nước, có thể nói là chưa có đối thủ. Tuy nhiên chúng tôi đã chuẩn bị hành trang để sau này cạnh tranh thì có vũ khí để bảo vệ mình.
VHT đặt mục tiêu thế nào về số lượng đăng ký bảo hộ SHTT?
SHTT bản chất là quá trình tích lũy. Số bằng SHTT phản ánh sức mạnh của một công ty công nghệ. VHT và Viettel đang trong quá trình tích lũy đấy. Hàng năm, mục tiêu của chúng tôi là có từ 50 đến 100 SHTT mới đăng ký ở trong nước và quốc tế. Lũy kế đến hiện tại, trong nước chúng tôi có 245 bằng sáng chế đang đăng ký và nếu năm nay thêm 50 nữa thì sẽ khoảng 300. Ở nước ngoài, cụ thể tại Mỹ, đang là 27 thì năm nay mục tiêu của chúng tôi phải tăng lên từ 35 đến 40.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thanh Thanh
Bình luận
Nổi bật
Công bố tiêu chuẩn đầu tiên hạn chế 'hóa chất vĩnh cửu' trong nước uống
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 18:56
(CL&CS) - Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã công bố một quy định mới yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên về sự giảm thiểu "hóa chất vĩnh cửu" trong nước uống.
Quy định mới về Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện: Nâng tầm dịch vụ y tế Việt Nam
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13
(CL&CS) - Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện, từ cơ sở vật chất đến chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn và sự tin tưởng của người dân vào hệ thống y tế.
Tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe của người lái xe
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 16:22
(CL&CS)- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ và việc khám sức khỏe đối với người lái xe.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.