Nhiều doanh nghiệp dệt may báo lãi quý đầu năm
(CL&CS)- Kết thúc quý đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp dệt may có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Trong bối cảnh thuế quan, các doanh nghiệp tích cực tìm kiến, mở rộng ở nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Trong bối cảnh thuế quan, ngành dệt may tích cực tìm kiến, mở rộng ở nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Ảnh: Vinatex
Có đơn hàng trong 2 quý đầu năm
Hết quý I/2025, Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (UpCOM: VGT) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất đạt 172 tỷ đồng, tăng mạnh 372% so với cùng kỳ năm 2024.
Về đơn hàng, theo lãnh đạo VGT, hầu hết các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang giao dịch cho quý III/2025. Tuy nhiên, trong quý I, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong quý đầu năm, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cũng ghi nhận doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ, lên gần 1.011 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 78,5 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh nghiệp cũng đã nhận 85% kế hoạch doanh thu trong quý II và đang chốt đơn hàng cho quý III/2025.
Tương tự, Công ty CP May Sông Hồng (HoSE: MSH) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.017 tỷ đồng, tăng gần 34,4% so với cùng kỳ, Lợi nhuận sau thuế đạt gần 86,3 tỷ đồng, tăng gần 51,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, quý I/2025, công ty ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng. Đồng thời, công ty tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, MSH là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao nhất trong ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc do ảnh hưởng chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Ngược lại, Công ty CP Đầu tư và Thương mại (TNG) lại có kết quả kinh doanh quý 1/2025 thận trọng hơn các doanh nghiệp còn lại. Lợi nhuận tại công ty này chỉ tăng nhẹ 1% lên 43,3 tỷ đồng dù doanh thu nhảy vọt 31%, đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm khoảng 26%.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, đại diện TNG cho biết đơn hàng từ Mỹ tuy phục hồi nhưng tỷ trọng còn thấp (khoảng 26%). Công ty đang đánh giá lại mức thuế Mỹ có thể áp và thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất từng trải qua.
Doanh nghiệp dệt may mở rộng thị trường
Chia sẻ tại "Hội nghị sơ kết hoạt động SXKD quý 1/2025" vừa qua, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam, trước đó, Việt Nam ký BTA với Mỹ và gia nhập WTO (2006), khi ngành từng phải chịu thuế suất cao và hạn ngạch, nhưng vẫn vươn lên giữ vị trí xuất khẩu thứ hai thế giới.
Chủ tịch HĐQT Vinatex xác định giai đoạn tạm hoãn thuế từ phía Mỹ là thời điểm toàn hệ thống phải đoàn kết, sáng suốt và dốc toàn lực, tương tự như cách ngành từng vượt qua hạn ngạch và thuế cao trước thời WTO.
“Điều quan trọng nhất lúc này không phải là hoang mang, lo lắng mà là tinh thần kiên định, dũng cảm, gắn bó, sẵn sàng làm việc với hiệu suất cao nhất. Biến động là điều không mới. Quan trọng là tận dụng được khoảng lặng 90 ngày này để chủ động chuyển mình" - ông Trường nhấn mạnh.
Tại ĐHĐCĐ 2025 tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Song Jae Ho - Tổng giám đốc TCM cho biết thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu xuất khẩu, thấp hơn đáng kể so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Để giảm bớt sự phụ thuộc ở thị trường Mỹ, TCM hướng đến phát triển thị trường tại Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Theo ông Song Jae Ho, tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc không có sự biến động nhiều và hy vọng là công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng theo đúng kế hoạch. Riêng thị trường châu Âu vẫn đang gặp khó khăn. TCM cũng đang tập trung phát triển các khách hàng mới ở châu Âu, tiếp tục đẩy mạnh sản lượng cho các khách hàng cũ ở châu Âu để gia tăng thị phần trong năm nay.
Bên cạnh đó, TCM đang tập trung vào việc quản lý rủi ro, đặc biệt là theo dõi tình hình các đơn hàng đã ký kết, bởi nguy cơ hoãn, hủy đơn hàng hay chậm thanh toán có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. TCM cũng đã chủ động liên hệ với khách hàng để thông báo và có những phản ứng kịp thời đối với các thay đổi từ phía thị trường, nhằm đảm bảo duy trì sự ổn định và phát triển trong giai đoạn này.
Lãnh đạo của TCM cũng cho rằng, chi phí lao động Việt Nam ngày càng tăng lên hàng năm, cho nên chúng ta không dựa vào lao động giá rẻ như 5-10 năm trước đây. Vì thế muốn tiếp tục tăng trưởng, muốn có đơn hàng chỉ có 2 cách. Thứ nhất là tập trung phát triển sản phẩm giá trị cao hơn thông qua hoạt động R&D. Thứ hai là phải chuyển đổi số nhanh hơn trong nhà máy, bằng cách sử dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo hay gọi chung là "smart factory" để làm việc thông minh hơn và nhanh hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh cao hơn. Đó là bước đi mà TCM sẽ tập trung trong những năm tiếp theo.
Minh Vân
Bình luận
Nổi bật
Nhiều doanh nghiệp dệt may báo lãi quý đầu năm
sự kiện🞄Thứ ba, 20/05/2025, 10:23
(CL&CS)- Kết thúc quý đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp dệt may có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Trong bối cảnh thuế quan, các doanh nghiệp tích cực tìm kiến, mở rộng ở nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Cổ đông của Nhựa Bình Minh nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ lên đến 119,9%
sự kiện🞄Thứ hai, 19/05/2025, 15:43
(CL&CS) - Trong 2 năm liên tiếp 2023-2024, CTCP Nhựa Bình Minh (Nhựa Bình Minh) là một trong những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cao thuộc top đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may sang Mỹ tăng mạnh
sự kiện🞄Thứ hai, 19/05/2025, 15:42
(CL&CS)- Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong tháng 4 đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.