Nguyên nhân khiến 150 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng
(CL&CS) - Kết quả xét nghiệm 12 mẫu bánh mì Phượng cho thấy nhiều mẫu bị nhiễm Bacillus cereus và Salmonella, là hai độc tố hàng đầu gây bệnh đường tiêu hóa.
Ngày 22/9, bà Lê Thị Hồng Cẩm, Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho biết đã xác định nguyên nhân khiến hàng loạt người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng. Trước đó, Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam lấy mẫu tại cơ sở bánh mì Phượng. Kết quả kiểm nghiệm thể hiện, trong mẫu chả heo phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL.
Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; mẫu xíu mại phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; thịt heo xíu mại phát hiện nhiễm khuẩn Salmonella. Căn cứ thông báo kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam kết luận, nguyên nhân khiến 150 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng xuất phát từ mẫu thịt heo xíu (mẫu lấy ngày 11/9) dương tính với Salmonella.
“Đa số bệnh nhân bị ngộ độc đều ăn bánh mì vào ngày 11/9, do đó Chi cục chú tâm đánh giá các mẫu thực phẩm lấy vào ngày này. Trong quá trình điều tra, các mẫu thực phẩm liên quan như trước, trong và sau bữa ăn… cũng được lấy kiểm nghiệm để đánh giá đầy đủ hơn”, bà Cẩm cho hay.
Bà Cẩm cho biết thêm, ngoài vi khuẩn Salmonella, Viện Pasteur Nha Trang còn xác định các mẫu thực phẩm có vi khuẩn Bacillus cereus.
“Vi khuẩn Bacillus cereus có độc tố nhưng chưa chắc sinh ra ngộ độc thực phẩm. Dựa trên triệu chứng, mẫu phân của bệnh nhân thì khẳng định nguyên nhân ngộ độc là do vi khuẩn Salmonella”, bà Cẩm nói.
Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, nôn ói… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
Nhiễm khuẩn Salmonella có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt. Vi khuẩn Salmonella có ở trong máu, thịt và đặc biệt ở trong các phủ tạng như gan, lá lách, ruột. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong. Nguyên nhân khác có thể do thực phẩm bị nhiễm Salmonela trong và sau khi bị giết thịt. Thịt có thể bị nhiễm Salmonella do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột... Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.
Ngoài ra, thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun nóng lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella. Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Như Tạp chí Chất lượng & Cuộc sống đã đưa tin, ngày 12/9/2023, trên địa bàn TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc người dân, du khách có sử dụng Bánh mì Phượng của Hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2, địa chỉ: Số 02B, đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Số người ăn bánh mì vào ngày 11/9/2023 khoảng 1.900 người (số bánh mì cơ sở bán ra vào ngày 11/9/2023 là 1.920 ổ).
Tổng số người bị ngộ độc ghi nhận là 150 người (ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoài tỉnh Quảng Nam).
Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm: sốt cao, đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu.
Thức ăn nghi ngờ: Bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo.
Thế Sơn
Bình luận
Nổi bật
Hà Nội triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11
(CL&CS) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 16:22
(CL&CS) - Có thể thấy, người tiêu dùng Việt Nam luôn tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khoải đánh giá trước khi mua hàng. 71% cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%.
Sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 15:49
(CL&CS)- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 33/2024/TT-BYT quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.