Ngân hàng lý giải việc cước tin nhắn SMS Banking tăng cao “ngất ngưởng”

(CL&CS) - Theo các ngân hàng thì để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Khoản chi này cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy các ngân hàng phải tăng mức thu phí dịch vụ tin nhắn thông báo số dư.

Vietcombank điều chỉnh phí duy trì dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS.

Vietcombank điều chỉnh phí duy trì dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS.

Ngày 20/2, nhiều người dân phản ánh, phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn điện thoại (SMS Banking) tháng 1/2022 của một số ngân hàng tăng cao gấp 5-7 lần so với trước đây.

Theo đó, người dùng dịch vụ tin nhắn SMS Banking của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bị trừ phí dịch vụ tháng 1/2022 lên tới 55.000 đồng - 77.000 đồng, cao gấp  5 đến 7 lần so với những tháng trước.

Được biết thì từ cuối năm 2021, Vietcombank đã thông báo điều chỉnh một số mức phí dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 1/1/2022. Ngân hàng giảm toàn bộ phí dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền... Song lại tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000 - 77.000 đồng/tháng tùy theo lượng tin nhắn trong tháng.

Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn dưới 20 tin, mức phí áp dụng sẽ là 10.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 25.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn là 50.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng/tháng/số điện thoại. Các mức phí chưa bao gồm VAT.

Hay như các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… cũng ghi nhận mức tiền bị trừ là 33.000 đồng, 55.000 đồng và 77.000 đồng/tháng thay vì 11.000 đồng như trước đó.

Chẳng hạn tại Techcombank, ngân hàng miễn phí SMS Banking cho toàn bộ khách VIP theo quy định. Những khách hàng không thuộc nhóm trên sẽ phải chịu mức phí theo số lượng tin nhắn (chưa bao gồm VAT) như sau: 0-15 SMS/tháng phí 13.200 đồng, 16-30 SMS/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 SMS/tháng phí 44.000 đồng, trên 61 SMS/tháng 82.500 đồng/tháng.

Trong các thông báo, các ngân hàng lý giải chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.

Hiện, các ngân hàng vẫn chịu mức phí từ các nhà mạng từ 785 đồng/ tin nhắn đến 820 đồng/ tin nhắn, cao gấp nhiều lần cước tin nhắn thông thường ở những lĩnh vực khác. Chính vì vậy, khoản tiền chi trả cho nhà mạng đang rất lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho các ngân hàng. Vì vậy các ngân hàng phải tăng mức thu phí dịch vụ tin nhắn thông báo số dư.

Chính vì vậy, các ngân hàng đang khuyến khích khách hàng nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (APP) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.

Tuy nhiên, việc nhận thông báo qua SMS vẫn là một thói quen và tiện dụng ở không ít lĩnh vực. Việc tăng phí dịch vụ sms cao như hiện nay vẫn được cho là “đổ lên đầu khách hàng”, trong đó có vai trò của các nhà mạng khi thu phí đối với ngân hàng còn cao so với tin nhắn thông thường, tạo áp lực để ngân hàng nâng mức phí SMS Banking.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh tăng mạnh phí dịch vụ tin nhắn SMS, đồng thời chuyển hướng cung cấp thông báo sang kênh ngân hàng số. Điều này sẽ giúp ngân hàng tiết giảm được chí phí, đồng thời hạn chế thấp nhất việc thu phí đối với khách hàng.

Ông Hùng cũng cho hay trước đây các ngân hàng thường thông qua tin nhắn dịch vụ ngân hàng để thông báo biến động số dư cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng đã rà soát và thấy rằng chi phí để duy trì dịch vụ tin nhắn này là quá cao.

Theo ông Hùng thì cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp ba lần so với phí tin nhắn bình thường. Nếu TCTD thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng thì rất mang tiếng, nhưng nếu miễn phí cho khách hàng thì các tổ chức tín dụng cũng không thể  "gánh" được cước phí của nhà mạng.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức tín dụng cũng đã kiến nghị với các nhà mạng viễn thông xem xét, điều chỉnh lại cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, kiến nghị vẫn chưa nhận được kết quả thoả đáng.

Tổng Thư ký VNBA cũng cho rằng, các bên nên cùng ngồi lại với nhau để đưa ra mức phí hợp lý, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của chính các nhà mạng, của các tổ chức tín dụng và của khách hàng.

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng 7,8%, đạt 72.094 tỷ đồng trong quý 1/2024

Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng 7,8%, đạt 72.094 tỷ đồng trong quý 1/2024

sự kiện🞄Thứ tư, 08/05/2024, 14:23

(CL&CS) - Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank và MB là những ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong quý 1/2024. Lợi nhuận trước thuế của top 5 chiếm đến 52,3% tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết.

Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng

Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:55

(CL&CS) - Vừa qua, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã không ngừng đầu tư công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối vào hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng.

Thêm ngân hàng triển khai gói vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác

Thêm ngân hàng triển khai gói vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:54

(CL&CS) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai gói vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cực hấp dẫn, chỉ từ 4,6%/năm, ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Đặc biệt, khách hàng không cần chuẩn bị tiền để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ.