Thứ sáu, 25/04/2025, 09:10 AM

Một số tỉnh phía Bắc tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW

(CL&CS) - Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang đã đồng loạt cải cách cơ chế, đầu tư hạ tầng số và phát triển nhân lực, biến khoa học, công nghệ và chuyển đổi số thành “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế xã hội.

Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò tiên phong. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 do Bộ Chính trị ban hành những chiến lược căn bản nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu phát huy sáng tạo, đóng góp đột phá cho tăng trưởng và chuyển đổi số toàn diện.

1

Ảnh minh họa

Tại Hà Nội, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế và khoa học công nghệ đầu não, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng với mạng lưới hàng trăm cơ sở, đội ngũ trí thức dày dặn kinh nghiệm – có vai trò then chốt trong hiện thực hóa nghị quyết. Với tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đặt ưu tiên thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, tăng trưởng GRDP và nâng cao năng suất lao động thông qua phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.

Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước trong triển khai Nghị quyết số 57 với tinh thần “chủ động, quyết liệt, đồng bộ”. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhanh chóng ban hành 10 văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng 3 văn bản, đồng thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng. Việc sáp nhập Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Thông tin và Truyền thông đã tinh gọn bộ máy, thống nhất đầu mối quản lý, tháo gỡ “nút thắt” cơ chế về đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ. Đề án 06 về một cấp, một cửa điện tử đang được triển khai quyết liệt, hướng đến chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Song song đó, chương trình phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn đến 2030, định hướng 2050 cùng chính sách đặc thù thu hút nhân tài đã tạo bước tiến quan trọng cho chuyển đổi số tại Quảng Ninh.

Theo TS Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh: “Muốn đổi mới thật sự, phải đưa hàm lượng khoa học, công nghệ vào từng lĩnh vực, từng sản phẩm và trong từng người dân. Khi đó, Nghị quyết 57 mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy giá trị.”

Thực tiễn tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng. Sinh viên miệt mài hoàn thiện robot thông minh tham dự cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2025, từ thiết kế cơ khí, lập trình hệ thống đến tích hợp cảm biến laser và thuật toán PID. Nhà trường đã thành lập trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, 3 nhóm nghiên cứu chuyên sâu, mở quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu.

Hiệu trưởng TS Hoàng Hùng Thắng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cam kết năm học 2025 tiếp tục ưu tiên nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp trọng điểm.

Không chỉ trong giáo dục, phong trào đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57 còn lan tỏa mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Tại Công ty Cảng (Tổng Công ty Đông Bắc), Thượng tá Bùi Thanh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Cảng, Tổng Công ty Đông Bắc cho biết việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cấp băng tải và đưa vào vận hành hệ thống tuyển rửa công nghệ cao tại cảng Khe Dây đã giúp sản lượng than sàng tuyển tăng gấp 4 lần, đồng thời cải thiện môi trường làm việc đáng kể. Công ty duy trì thường xuyên các chuyên đề kỹ thuật, khuyến khích sáng kiến cải tiến và giám sát chặt chẽ quy trình vận hành.

Tại Bắc Ninh, hơn 25 cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết chi tiết, trong đó y tế công lập hoàn thành bệnh án điện tử, ba trung tâm y tế huyện đầu tiên xây dựng bệnh viện không giấy tờ. Đề án 06 được bảo đảm tiến độ với 100% dữ liệu hộ tịch số hóa, 66,6% dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên cổng quốc gia, tỷ lệ giải quyết trực tuyến đạt 99,91%, đồng thời phát hành 1,4 triệu thẻ căn cước công dân và hơn 325.000 chữ ký số.

Bắc Giang cũng tích cực đầu tư hạ tầng số hiện đại, phát triển 5G trên toàn tỉnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn; ký thỏa thuận hợp tác với Viettel, T&T, Vingroup và FPT để đảm bảo thủ tục thông thoáng, giải phóng mặt bằng nhanh chóng và thu hút đầu tư công nghệ.

Những hành động sớm, tầm nhìn dài hạn và khát vọng lớn của các địa phương phía Bắc đang tạo nên “xương sống” cho phát triển bền vững và đưa khoa học, công nghệ cùng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực đột phá. 

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Hơn 12.000 học sinh, sinh viên được đào tạo về công nghệ cao

Hơn 12.000 học sinh, sinh viên được đào tạo về công nghệ cao

sự kiện🞄Thứ sáu, 25/04/2025, 09:10

(CL&CS)- Đến nay đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên đến từ 95 trường học tại 21 tỉnh thành trên cả nước được đào tạo và phát triển năng lực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 01/5

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 01/5

sự kiện🞄Thứ sáu, 25/04/2025, 09:10

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 50/CĐ-TTg ngày 24/4/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 01/5.

Một số tỉnh phía Bắc tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW

Một số tỉnh phía Bắc tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW

sự kiện🞄Thứ sáu, 25/04/2025, 09:10

(CL&CS) - Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang đã đồng loạt cải cách cơ chế, đầu tư hạ tầng số và phát triển nhân lực, biến khoa học, công nghệ và chuyển đổi số thành “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế xã hội.