Liên kết xuất khẩu gạo Việt
(CL&CS) - Liên kết chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận và rủi ro sẽ mang lại sự ổn định cả về sản lượng và chất lượng, tạo nền tảng cho xuất khẩu gạo đi vào bền vững và giá trị cao.
Ưu thế vượt trội về giống lúa
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục với gần 8,3 triệu tấn, kim ngạch 4,78 tỷ USD, cao nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo vào năm 1989. Đánh giá về kết quả ấn tượng này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng đây là thành công của cả chuỗi sản xuất.
Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân lại nhấn mạnh vai trò của chất lượng giống lúa của Việt Nam. “Giá gạo của Việt Nam có thể bán được 600-700 USD/tấn, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới, giá thấp nhưng gạo vẫn ngon cơm” – GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh. Đặc biệt, giá gạo Việt Nam đạt mức cao trong năm vừa qua không hẳn do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới, trong khi Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá cao sẽ tiếp tục cao. Bên cạnh đó, trong khi các nước cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn có thể bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết của Chính phủ cho phép quy hoạch lại vùng trồng lúa thuận theo thiên nhiên.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng đánh giá, Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Ngay từ trước thời điểm “sốt giá” năm 2023, các sản phẩm chất lượng cao của Trung An đã xuất khẩu với giá 700-800 USD/tấn, thậm chí lên tới 1.200 USD/ tấn.
Ở góc độ địa phương, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, hiện 80% diện tích gieo trồng lúa gạo Đồng Tháp là giống chất lượng cao, phần còn lại là nếp và các giống gạo làm nguyên liệu chế biến. Tỉnh cũng có gần 200 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành gạo, trong đó có 15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 đạt 536.000 tấn, kim ngạch 400 triệu USD, tăng 23% về lượng và 56% về giá trị so với năm trước. Ngoài sản xuất, xuất khẩu, Đồng Tháp cũng có nhiều đơn vị chế biến sản phẩm từ gạo, giúp nâng giá trị cho hạt gạo.
Tương tự, tại Long An, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết, năm 2023, sản xuất lúa gạo của Long An đạt yêu cầu đề ra ở cả 3 vụ Xuân, Hè Thu và Thu Đông. Diện tích, sản lượng và xuất khẩu đều đạt. Thời gian qua, Long An bắt đầu ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, rau quả, tôm, bò… Người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ vào sản xuất, dòng lúa chất lượng cao đạt 66%. Theo đó, sản lượng xuất khẩu của tỉnh tăng khoảng 55%; giá trị tăng khoảng 63%...
Chuẩn hóa chuỗi giá trị
Từ kết quả đạt được trong năm 2023 cùng dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, các chuyên gia, DN đều cho rằng cần chuẩn hóa chuỗi sản xuất lúa gạo trên cơ sở liên kết bền vững giữa nông dân và DN để tạo nền tảng cho gạo Việt Nam nắm bắt được cơ hội, tiến xa hơn trên thị trường quốc tế và mang về giá trị cao hơn.
Ông Lê Thanh Tùng đánh giá, để phát triển bền vững, ngành gạo cần có sự chia sẻ về lợi nhuận và rủi ro. DN xây dựng thương hiệu, Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng để xây dựng thương hiệu thì DN phải có vùng nguyên liệu để ổn định chất lượng.
Ông Phạm Thái Bình cũng đánh giá, việc liên kết sẽ giúp tổ chức sản xuất gắn liền với nhu cầu thị trường. Nông dân và DN đều được lợi khi nguồn cung ổn định cả về sản lượng và chất lượng, giá bán được điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" cho thấy định hướng rõ ràng của Chính phủ đối với ngành lúa gạo; trong đó, khuyến khích các địa phương, DN hướng tới liên kết sản xuất ngành lúa gạo chất lượng cao, không chạy theo sản lượng mà đi vào chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
GS Võ Tòng Xuân đánh giá, đề án là cơ hội để sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, từ khâu chọn giống, sản xuất, mở rộng diện tích đến chế biến… để hạt gạo Việt Nam có chất lượng cao, thương hiệu tốt, nâng cao giá trị hơn nữa.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, sự thành công của đề án phụ thuộc ở cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tham gia liên kết, cũng tương tự như mô hình cánh đồng lớn trước đây, nhiều DN muốn nhưng không có đủ nguồn lực để tham gia. Bởi để liên kết sản xuất, DN phải đầu tư lâu dài và đồng bộ từ tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào đến thu mua, vận chuyển, chế biến. Trong khi nhu cầu vốn cho các hoạt động này vượt quá khả năng của hầu hết DN hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, Agribank đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc đề án trên. Cụ thể, Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay, dịch vụ tài chính... cho các đối tượng tham gia phù hợp với mục tiêu đề án. Trong đó có nông dân trồng lúa trực tiếp, DN thực hiện thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo.
Đồng thời, trên cơ sở thực hiện những chương trình tín dụng cụ thể, cũng như Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn gắn với tinh thần là không để người dân và DN thiếu vốn.
Ông Bách thông tin thêm, Agribank đang cấp tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng, trong đó đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn chiếm 80% trong nguồn vốn này. Hiện Agribank đang triển khai chương trình tín dụng khoảng 65.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, áp dụng với rất nhiều phân khúc khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ DN xuất khẩu lúa gạo đến DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo...
Theo Tạp chí Hải quan
Bình luận
Nổi bật
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00
(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59
(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.