Thứ năm, 17/08/2023, 21:04 PM

Thị trường rộng mở, giá tốt, vì sao doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn kêu khó?

(CL&CS) - Khó khăn của DN trong việc đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu gạo đã ký trước, trong giai đoạn nhiều biến động hiện nay đã cho thấy những hạn chế trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thời gian qua. Việc sớm có giải pháp cho vấn đề liên kết này sẽ giúp ngành lúa gạo tận dụng tốt thời cơ hiện tại và phát triển bền vững trong tương lai.

Việc liên kết sẽ giúp DN tăng tính chủ động về nguyên liệu ngay cả trong những giai đoạn thị trường biến động. Ảnh: T.L

Việc liên kết sẽ giúp DN tăng tính chủ động về nguyên liệu ngay cả trong những giai đoạn thị trường biến động. Ảnh: T.L

Coi chừng “gậy ông đập lưng ông”

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, biến đổi khí hậu thay đổi điều kiện gieo trồng… sẽ làm suy giảm nguồn cung và đẩy giá lương thực tăng cao. Theo đó, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa. Chẳng hạn tại Thái Lan, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, lệnh cấm của Ấn Độ cần được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa và có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động.

Với các nhà nhập khẩu gạo, ông Trần Duy Đông dẫn lời Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) cho biết, Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh, chuyển đơn hàng nhập khẩu các nước xuất khẩu gạo khác, đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này. Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết các thương nhân hiện đang xem xét thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều DN Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các DN Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh việc cần tranh thủ thời cơ để xuất khẩu gạo mang lại hiệu quả cao nhất nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần thận trọng trước quyết định cấm xuất khẩu gạo của các nước. Nếu lúc này thừa thế xông lên thì coi chừng “gậy ông đập lưng ông”. Một quốc gia nổi tiếng về XK lúa gạo nhưng trong nước lại thiếu gạo, để giá gạo lên quá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân là không thể chấp nhận được.

Khó tận dụng cơ hội do thiếu liên kết

Theo công bố của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tại ngày 4/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu đã tăng mạnh 60 USD/tấn đối với cả gạo 5% tấm và gạo 25% tấm chỉ trong 1 tuần qua. Cùng chiều với giá gạo xuất khẩu, giá lúa gạo ở ĐBSCL cũng liên tục tăng mạnh, giá gạo nguyên liệu đã lên mức 12.100 đồng/kg, gạo thành phẩm ở mức 14.100 đồng/kg.

Ở góc độ DN xuất khẩu gạo Việt Nam, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang nhìn nhận việc giá lúa gạo tăng là tin mừng đối với nông dân nhưng DN lại gặp khó khăn. “Giá lúa tăng không có điểm dừng trong khi hợp đồng đã ký trước đó không thể điều chỉnh giá gạo, nên DN buộc phải mua giá cao để đáp ứng đơn hàng” – bà Huyền cho biết.

Từ thực tế khó khăn của DN trong việc đáp ứng đơn hàng khi giá lúa gạo liên tục tăng, câu chuyện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo lại tiếp tục được đặt ra. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tại ĐBSCL hiện có 3 hình thức liên kết tiêu thụ: nông dân bán lúa gạo trực tiếp cho DN, chiếm 12,1% tổng sản lượng; nông dân thông qua thương lái bán cho DN chế biến và xuất khẩu, chiếm tới 50%; 37,9% còn lại là nông dân bán lúa qua HTX có ký kết với DN. Đáng chú ý, trong 180 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, chỉ có 50 doanh nghiệp thực hiện ký liên kết với HTX và xây dựng vùng nguyên liệu. Số còn lại tự mua tự bán, dẫn đến cạnh tranh, giá cao giá thấp, không có gạo trữ, không có vùng nguyên liệu, mua trôi nổi. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Thực tế thời gian qua, câu chuyện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hầu như không có thêm gương mặt nào mới, ngoài những cái tên quen thuộc như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…

Những hạn chế trong việc liên kết này cũng thể hiện rõ trong số liệu của các địa phương. Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh An Giang xuống 228.750 ha và đặt kế hoạch liên kết sản xuất tiêu thụ 145.540 ha, chiếm tỷ lệ gần 64% diện tích với 14 công ty, DN và công ty giống. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 32.725 ha được ký hợp đồng bao tiêu với các DN thông qua HTX, tổ hợp tác, với tỷ lệ chỉ 22%. Trong đó, có DN mới ký hợp đồng bao tiêu cho diện tích chưa tới 2% so với kế hoạch đề ra.

Tương tự, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cũng cho biết, tại Đồng Tháp, diện tích xuống giống vụ Hè Thu là 184.758 ha, nhưng diện tích liên kết chỉ ở mức 28.183 ha, chiếm tỷ lệ 15,2%. Trước đó, trong năm 2022, diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ cũng chỉ đạt 17,3% tổng diện tích sản xuất.

Theo các địa phương, nhiều DN chưa chú trọng công tác xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết thu mua với nông dân. Điều này dẫn đến nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu sản xuất để cung ứng cho các đơn hàng đã ký, đặc biệt trong bối cảnh giá lúa gạo đang biến động từng ngày như hiện nay. Do đó, để tận dụng “thời cơ vàng” của thị trường lúa gạo hiện nay, các địa phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp hỗ trợ DN xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, có nhiều hoạt động tuyên truyền để nông dân, HTX và DN hiểu thêm về ý nghĩa của liên kết tiêu thụ để hoạt động sản xuất, xuất khẩu lúa gạo phát triển bền vững, ổn định và mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

TP. HCM nỗ lực giải quyết 'vấn nạn' ngập lụt bằng dự án 10.000 tỷ đồng

TP. HCM nỗ lực giải quyết 'vấn nạn' ngập lụt bằng dự án 10.000 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 18:51

Để giải quyết vấn đề ngập lụt mùa mưa, TP. HCM đang hướng tới việc nâng cấp, cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ, đảm bảo thoát nước cho khu đô thị và khu dân cư mới.

Tuyến đường 6 làn xe với mức đầu tư nghìn tỷ tại Hà Nội sắp 'cán đích'

Tuyến đường 6 làn xe với mức đầu tư nghìn tỷ tại Hà Nội sắp 'cán đích'

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 18:50

Tuyến đường này được khởi công từ năm 2018 với mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu chọn một gói thầu sân bay lớn nhất Việt Nam phải là 'Made in Viet Nam'

Phó Thủ tướng yêu cầu chọn một gói thầu sân bay lớn nhất Việt Nam phải là 'Made in Viet Nam'

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 18:11

Trong Công văn gửi triển khai dự án thành phần 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu chọn nhà thầu phải phát huy và góp phần truyền bá bản sắc, truyền thống dân tộc.