Thứ ba, 01/04/2025, 08:06 AM

Khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

(CL&CS) - Những năm qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vị trí là những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được đánh giá là vựa lúa với những đồng bằng lớn phì nhiêu màu mỡ, đóng góp vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, những người nông dân ở đây vẫn loay hoay mãi với bài toán “làm lúa sao mãi nghèo”; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vẫn chưa được triển khai trên diện rộng, quy mô lớn. Bài toán đặt là doanh nghiệp, nông dân, Hợp tác xã cần liên kết chặt chẽ để xây dựng thương hiệu gạo, đưa hạt gạo Việt Nam vươn tầm trong kỷ nguyên mới.

Như một “guồng quay”, cứ vào thời điểm thu hoạch lúa, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại lao đao khi giá lúa lên xuống thất thường, xuất khẩu gặp khó… Những vấn đề lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, khiến nông dân trăn trở: "làm lúa mãi mà vẫn nghèo!"…

Thiếu liên kết khiến nông dân ngành lúa gạo chịu thiệt

Vụ Đông xuân này, ông Võ Văn Phong (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) trồng 2ha giống OM 18, sau khi thu hoạch bán lúa tươi cho thương lái với giá 6.500 đồng/kg, lợi nhuận chỉ hơn 20 triệu đồng/ha. Theo ông, năm nay, giá nhiều loại lúa ở mức thấp hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2023-2024. Giá lúa dao động từ 5.000-7.500 đồng/kg, tùy nhóm giống lúa.

 

 

Người nông dân trồng lúa gạo ở ĐBSCL chịu nhiều thiệt thòi khi bị thương lái ép giá. Ảnh: Trần Lưu

“Mấy năm nay, cứ mỗi lần đến vụ thu hoạch, tôi lại thấp thỏm lo giá cả. Tôi làm lúa nhưng chẳng có quyền quyết định giá bán mà phụ thuộc lớn vào thị trường. Giá bán ra thì bấp bênh, không ổn định. Người nông dân không có tiếng nói trong thị trường. Nhiều lúc lúa đầy đồng mà không ai mua, thương lái ép giá thì các hộ nông dân cũng đành chịu phải bán giá thấp thôi” - ông Phong nói.

Thực tế, không chỉ nông dân mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 2/2025 đạt khoảng 560 nghìn tấn với giá trị đạt 288,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2025 lên 1,1 triệu tấn và 613 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng, nhưng giảm 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Vấn đề lớn nhất hiện nay có thể gói gọn trong ba chữ “thiếu”: Thiếu liên kết, thiếu nguồn lực và thiếu định hướng thị trường. Ba vấn đề này phản ánh chính xác những tồn tại lớn nhất của ngành lúa gạo Việt Nam và cứ mỗi khi có khủng hoảng giá cả hoặc thị trường xuất khẩu thay đổi, các vấn đề này lại bộc lộ rõ ràng hơn.

Ông Trần Văn Nhi (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 6 công lúa hơn 10 năm nay. Phần lớn vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch cụ thể theo thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại chủ yếu thu mua từ thương lái, ít có mối liên kết trực tiếp với người trồng lúa”.

“Làm lúa mà không biết sẽ bán cho ai, giá thế nào. Doanh nghiệp thì đến lúc cần hàng mới mua, không có hợp đồng dài hạn. Mình trồng xong, rồi đợi thương lái trả giá, nhiều lúc rẻ bèo cũng không biết làm sao” - ông Trần Văn Nhi nói.

Sự thiếu liên kết này khiến chuỗi cung ứng lúa gạo kém bền vững, khi thị trường biến động, nông dân chịu thiệt nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Văn Út (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết, vụ Đông xuân này, gia đình ông canh tác hơn 1ha lúa IR50404, năng suất đạt khoảng 6 tấn. Thời điểm thu hoạch lúa có giá hơn 5.000 đồng/kg. Bằng kinh nghiệm hơn 15 năm trồng lúa, ông Út dự đoán giá lúa sẽ nhích lên.

“Tuy nhiên, do áp lực nợ nần từ các đại lý vật tư nông nghiệp, tôi không thể trữ lúa mà phải bán ngay thời điểm đó. Nếu không trả nợ, sẽ mất uy tín, vụ lúa sau đại lý không cho mua nữa” – ông Út phân trần.

Tích cực khơi thông nguồn vốn cho ngành lúa gạo

Chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ), cho rằng ngành lúa gạo của Việt Nam chưa mang tính ổn định do sản xuất không gắn chặt với tiêu thụ. Trong khi nông dân không có chỗ bán, không có doanh nghiệp mua nên buộc phải bán giá thấp cho thương lái. Phía doanh nghiệp thì không có tiền để trữ lúa, phải bán giá thấp để quay vòng vốn.

Theo ông Bình, cần giải quyết vấn đề căn cơ là gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nông dân và doanh nghiệp. Giải pháp chính ở Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Nếu tổ chức được sản xuất gắn chặt với tiêu thụ sẽ chấm dứt tình trạng giá lên- giá xuống, tiêu thụ không được.

Một điểm đáng chú ý khác là ngành lúa gạo Việt Nam dù có sản lượng cao nhưng năng suất và chất lượng chưa thực sự tối ưu. Cùng với đó, nông dân thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất theo hướng hiện đại.

Theo ông Bình, gạo Việt Nam có phân khúc riêng, chúng ta không sợ Ấn Độ xả gạo, đừng lo lúa gạo Việt Nam có bán được hay không.

Ông nhấn mạnh, cốt lõi nhất là liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thì lúa gạo Việt Nam sẽ không còn tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như hiện nay khi người dân yên tâm sản xuất vì đã được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, ngân hàng thì sẵn sàng giải ngân.

 

 

Hoạt động tại một doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: Trần Lưu

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng, trong chuỗi giá trị lúa gạo, người nông dân đang yếu thế. Họ không có vốn nên phải lệ thuộc vào các đại lý vật tư.

“Mỗi mùa vụ, nông dân phải chịu tình trạng mua trước trả tiền sau cho các đại lý. Trong khi các đại lý luôn lựa chọn các sản phẩm có chiết khấu cao để bán cho người nông dân. Người nông dân luôn chịu thiệt thòi vì chi phí cao. Bên cạnh đó, các hộ nông dân luôn nghe tư vấn từ các đại lý là dùng, bón phân gì, phun xịt thuốc gì, nông dân lại không nghe kỹ sư có chuyên môn” – TS. Trần Hữu Hiệp cho biết.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp phân tích: Thời gian quan, giá lúa giảm là hồi chuông cảnh tỉnh về tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Bên cạnh các giải pháp về thu mua và liên kết chuỗi giá trị, chuyên gia Trần Hữu Hiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng cho nông dân.

Ông cho rằng, để người trồng lúa có thể duy trì sản xuất bền vững, cần có những gói vay ưu đãi dành riêng cho ngành nông nghiệp, giúp họ đầu tư vào giống chất lượng cao, cải thiện kỹ thuật canh tác và nâng cao năng suất. Việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn sẽ giúp nông dân không bị phụ thuộc vào thương lái và có thể chủ động hơn trong sản xuất, tránh tình trạng bán lúa non khi gặp khó khăn về tài chính.

Ngoài ra, để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, cần chú trọng vào nghiên cứu và phát triển giống lúa có chất lượng vượt trội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cần phối hợp để đưa ra những bộ giống mới, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn. Đồng thời, cần thúc đẩy việc canh tác theo hướng bền vững, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt.

Làm thế nào để ngành lúa gạo Việt Nam không còn điệp khúc “được mùa mất giá”, để người trồng lúa có thể sống tốt với nghề. Hay những trăn trở về việc làm sao xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu. Muốn ổn định thị trường, doanh nghiệp cần ký hợp đồng dài hạn với nông dân, cam kết bao tiêu sản phẩm. Ngược lại, nông dân cũng phải tuân thủ quy trình sản xuất đạt chuẩn, nâng cao chất lượng gạo. Nếu không có liên kết, ngành gạo mãi thụ động với thị trường.

Lời giải cho bài toán này đã có, đó là Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030," được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023.

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tệ

Bình luận

Nổi bật

Khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

Khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

sự kiện🞄Thứ ba, 01/04/2025, 08:06

(CL&CS) - Những năm qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vị trí là những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được đánh giá là vựa lúa với những đồng bằng lớn phì nhiêu màu mỡ, đóng góp vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, những người nông dân ở đây vẫn loay hoay mãi với bài toán “làm lúa sao mãi nghèo”; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vẫn chưa được triển khai trên diện rộng, quy mô lớn. Bài toán đặt là doanh nghiệp, nông dân, Hợp tác xã cần liên kết chặt chẽ để xây dựng thương hiệu gạo, đưa hạt gạo Việt Nam vươn tầm trong kỷ nguyên mới.

(INFOGRAPHICS) Kết quả xuất nhập khẩu nổi bật trong 2 tháng đầu năm 2025

(INFOGRAPHICS) Kết quả xuất nhập khẩu nổi bật trong 2 tháng đầu năm 2025

sự kiện🞄Chủ nhật, 30/03/2025, 10:20

(CL&CS) - Hết tháng 2/2025 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Cục Hải quan.

Kinh tế Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2025

Kinh tế Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2025

sự kiện🞄Thứ bảy, 29/03/2025, 12:11

(CL&CS)- Trước những thách thức về thuế quan thương mại, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2025