Chủ nhật, 18/09/2022, 15:57 PM

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn

(CL&CS)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Chỉ thị số 15/CT-TTg nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, khu vực và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở nước ta. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, đúng hướng, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 2,58%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá được duy trì hợp lý; nợ công được kiểm soát tốt. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh; nhiều ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển mạnh, nhất là công nghiệp và dịch vụ; nông nghiệp phát triển ổn định. Thu hút vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh...

thu-tuong-kinh-te-vi-mo-lam-phat-16634216479971026284445

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định"; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng "ổn định"; Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới. Các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và nhiều chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine còn diễn biến phức tạp; lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, thị trường quốc tế bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu... Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu vừa  mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm.

Trong những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thế giới, trong nước, việc điều chỉnh chính sách của các nước tác động đến KT-XH nước ta; kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, đối sách phù hợp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án về ổn định kinh tế vĩ mô,kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả, quyết liệt Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Đôn đốc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, dự kiến đề xuất phân bổ nguồn vốn đầu tư công với các cấp có thẩm quyền, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún, chia cắt. Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng, thẩm định, hoàn thiện các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ; có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, bảo đảm trong giới hạn theo quy định và khả năng trả nợ.

Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chú trọng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, nhất là về tỷ giá, lãi suất, tín dụng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tránh lạm phát kỳ vọng.

Bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng. Khẩn trương triển khai có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng thương mại yếu kém và Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Chú trọng công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng, dầu để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Chủ động cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn điện, lưới điện theo quy định của pháp luật; tính toán chặt chẽ cân đối cung cầu điện năng tiêu thụ để chủ động phương án sản xuất, nhập khẩu điện phù hợp; chủ động các nguồn điện thay thế trong trường hợp thiếu nước cho thủy điện. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thực hiện quản lý nhà nước để sớm đưa vào vận hành các dự án trọng điểm trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với tăng cường quản lý thị trường; phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, chú trọng thúc đẩy và kiểm soát tốt thương mại điện tử; tăng cường phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.  Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa vai trò của các cơ quan thương vụ, đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các loại hàng hóa xuất khẩu; tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, phấn đấu bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội,  Y tế, Công an... theo chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Chỉ thị.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 và các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Trong tháng 9 năm 2022 và định kỳ hàng quý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và đề xuất, kiến nghị theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao của bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư, thương mại, thị trường, giá cả và các chính sách khác liên quan, bảo đảm nhịp nhàng, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất, thường xuyên, liên tục, có hệ thống.

Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các Bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi các lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quy mô lớn, trọng điểm, đặc biệt là các dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hà Nội, các tuyến cao tốc đi qua địa bàn. Đối với Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn lực cho chính sách khác còn dư địa để thực hiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn tỉnh, thành phố. Chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng… 

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bàn tỉnh, thành phố. Tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm tốt công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thế Anh

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.