Thứ sáu, 30/10/2020, 14:17 PM

Đừng để việc cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ đi vào “vết xe đổ” như VietGap

(CL&CS) - Quá trình triển khai cấp chứng nhận VietGap trước đây đã mắc những sai lầm mà có những cá nhân, tổ chức đã phải vào tù vì chứng nhận sai, chứng nhận bừa. Thế rồi để xảy ra tình trạng chứng nhận VietGap tràn lan, dẫn đến câu chuyện ai cũng làm VietGap nhưng… chẳng ai tin ai.

Đây là “bài học nhãn tiền” để ngành nông nghiệp kiểm tra, giám sát việc công nhận, cấp phép sản phẩm hữu cơ, tránh những lùm xùm không đáng…

Đó là nhận thức chung của các chuyên gia nông nghiệp, cơ quan quản lý và đại diện các doanh nghiệp cùng thống nhất với nhau tại Hội nghị “Kết nối thương mại nông sản hữu cơ” do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức, diễn ra mới đây tại TP.HCM.

“Mò mẫm” làm… nông nghiệp hữu cơ

Chủ một cơ sở trồng nấm hơn 6 hecta tại huyện Củ Chi cho biết, đã bắt đầu manh nha trồng nấm theo phương pháp hữu cơ từ năm 2009. Tuy nhiên, thời điểm đó bà gõ cửa nhiều nơi từ các đơn vị chức năng, hành chính để hỏi về việc cơ quan nào cấp chứng nhận, công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ? Có bao nhiêu đơn vị đang làm nông nghiệp hữu cơ?... Nhưng đều không nhận được câu trả lời. 

“Chính vì việc cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn rất mới, không biết đơn vị nào cấp chứng nhận này, tính pháp lý ra sao, được công nhận như thế nào… khiến cho chúng tôi - những người luôn trăn trở về một nền nông nghiệp hữu cơ - không dám mở rộng sản xuất”, bà này nói.

Hiện, cơ sở nấm của bà chỉ có khoảng 4.000-5.000m2 trồng nấm hữu cơ, cung không đủ cầu khi chỉ đáp ứng cho thị trường khoảng 50kg/tuần, trong khi diện tích trang trại còn lại lên tới 6 hecta và không dám mở rộng.

Nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm cà phê canh tác theo mô hình hữu cơ.

Nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm cà phê canh tác theo mô hình hữu cơ.

Băn khoăn của chủ cơ sở trồng nấm này cũng là nỗi lo chung của các doanh nghiệp, hộ gia đình quanh vấn đề quản lý việc công nhận “sản phẩm hữu cơ” khi cụm từ này đang được lạm dụng một cách tràn lan, thái quá.

“Vô siêu thị, sản phẩm nông nghiệp ở góc nào cũng thấy gắn mác sản phẩm hữu cơ; vào quán ăn cũng thấy giới thiệu rau, củ hữu cơ. Về nhà, cầm chai thuốc nhuộm tóc cũng gắn quảng cáo sản phẩm có nguồn gốc… thảo dược hữu cơ, trong khi chính bản thân mình làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ chứ chưa dám ‘vỗ ngực xưng tên’ thừa nhận là làm nông nghiệp hữu cơ. Sao hiện nay việc quản lý, ghi nhãn sản phẩm oganic lại dễ dàng thế”, anh Lê Tấn Hưng, lãnh đạo một DN sản xuất phân bón hữu cơ, chia sẻ.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, thừa nhận, nông nghiệp hữu cơ đang phát triển khá nhanh, nhất là từ sau khi có Nghị định 109/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất hữu cơ đang ngày càng có được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, nông dân... Tại kỳ đại hội đảng bộ ở nhiều tỉnh, thành đã đưa vào nghị quyết phương hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong nội dung phát triển kinh tế trên địa bàn.

“Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng, bởi đây là bước tiến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương về nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là công tác quản lý, chứng nhận, kiểm tra, giám sát…”, ông Mịch nói.

Cụ thể, ông Mịch lý giải, thông thường hoạt động đánh giá chứng nhận các tiêu chuẩn sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng riêng lĩnh vực chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ thì do Bộ NN-PTNT đảm nhận. Nghị định 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ quy định rõ Bộ NN-PTNT là cơ quan cấp phép cho tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Khi chưa được cấp phép, mọi giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ của các tổ chức chứng nhận đều không hợp pháp.

“Điểm vướng hiện nay là Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn định mức chi phí cho 1 ha sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm căn cứ cho các tổ chức chứng nhận thu phí của nông dân, HTX chứ không được thả nổi. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành danh mục vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ để nông dân, HTX biết. Bởi trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm có tên thương mại là "sinh học", "hữu cơ" nhưng không đạt chuẩn để sản xuất hữu cơ”, ông Mịch kiến nghị.

Làm sao để nông nghiệp hữu cơ đi đúng hướng?

TS Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng, hiện nay nông nghiệp hữu cơ đang được chú trọng phát triển nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh nhưng phải là phát triển bền vững.

IMG_20190710_142801

“Tại sao tôi nói như vậy? Tôi khi còn công tác ở Cục Trồng trọt, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tin tưởng giao cho việc xây dựng quy chuẩn VietGap. Nhìn lại quá trình đó thì phải khẳng định các quy trình VietGap là tốt, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện lại mắc những sai lầm mà có những cá nhân, tổ chức đã phải vào tù vì chứng nhận sai, chứng nhận bừa. Thế rồi để xảy ra tình trạng chứng nhận VietGap tràn lan, dẫn đến câu chuyện ai cũng làm VietGap nhưng… chẳng ai tin ai”, ông Ngọc chua xót.

Vì vậy, theo ông Ngọc, để tránh nông nghiệp hữu cơ cũng xảy ra như vậy, đề nghị Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ phải làm nòng cốt, phải tổ chức triển khai các nội dung từ khâu tổ chức sản xuất, đến thị trường, đến chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ. Đây cũng là chuỗi giá trị nếu làm tốt thì nông nghiệp hữu cơ mới thực sự phát triển bền vững, tránh những “vết xe đổ” như VietGap đã gặp trước đó.

PGS.TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp thì kiến nghị, có 3 vấn đề lớn để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ vững mạnh, đó là phải tối ưu hóa về kỹ thuật, tối ưu hóa về mặt quản lý và tối ưu hóa về mặt marketing. Đây là những vấn đề rất quan trọng góp phần giải quyết những vướng mắc về cách làm nông nghiệp hữu cơ theo kiểu “mò mẫm” như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, nói thêm: “Tôi mới đây đã liên lạc với bên Cục Xúc tiến Thương mại để đề nghị trong các đợt xúc tiến tới thì phải kết nối được nông sản hữu cơ ra thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, sẽ có các gian hàng để chúng ta giới thiệu, trưng bày sản phẩm ra thị trường”.

Ở một góc độ khác, GS Trịnh Xuân Vũ, chuyên gia với hơn 50 năm làm trong lĩnh vực nông nghiệp, chia sẻ, đã là một sân chơi mới thì phải tạo ra luật chơi mới, và luật đó phải rất… ‘dễ thương’.

“Tôi ví dụ nếu bây giờ làm nông nghiệp oganic mà khắt khe quá trong vấn đề nhập khẩu, khắt khe quá trong vấn đề công nhận hợp quy sản phẩm… thì không ai chơi. Có trường hợp nhập khẩu vật tư đầu vào (giống) từ nước ngoài nhưng quy trình xử lý khi nhập khẩu thì phải qua hóa chất để đảm bảo, khi đó thì sản phẩm này lại không được công nhận là giống đạt chuẩn hữu cơ. Theo tôi, đã là sân chơi mới thì phải nên có luật mới cho phù hợp”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam vừa chính thức khai trương văn phòng đại diện tại TP.HCM – Đây sẽ là “địa chỉ” để người dân khu vực phía Nam, Tây Nguyên… tìm đến để học hỏi các mô hình, tư vấn, kết nối thương mại nông sản hữu cơ ra thị trường.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016 diện tích canh tác hữu cơ trên cả nước hơn 53.000 ha thì nay diện tích này đạt gần 238.000 ha, trải dài tại 46/63 tỉnh, thành với hơn 17.000 nông dân tham gia. Số lượng DN sản xuất hữu cơ là 97, trong đó 60 DN tham gia xuất khẩu với kim ngạch 335 triệu USD/năm.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 nước, như Mỹ, Nhật Bản, Ðức, Pháp, Hàn Quốc…

Bài liên quan

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Tâm thư của thầy Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khiến ai cũng nghẹn lòng

Tâm thư của thầy Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khiến ai cũng nghẹn lòng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Mở đầu thư, GS.TS Nguyễn Văn Minh viết, đây sẽ là những lời dặn dò cuối cùng với các em sinh viên yêu quý trên cương vị là hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây cũng là dịp để thầy được tri ân các em.

Hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

Hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề: “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”.

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:55

(CL&CS) - Tại Việt Nam, Nestlé đi tiên phong với những hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nỗ lực hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.