Thứ sáu, 05/04/2024, 18:07 PM

Đồng Nai: Xây dựng vùng chăn nuôi ATDB theo chuẩn quốc tế

(CL&CS) - Đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những giải pháp góp phần tạo đầu ra bền vững cho ngành chăn nuôi. Xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) theo chuẩn quốc tế là một trong những yêu cầu quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong giai đoạn hội nhập.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), năm 2023, tổng đàn heo của cả nước đứng thứ 5 về đầu con và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt hơi. Việt Nam cũng là nước có tổng đàn gia cầm lớn của thế giới, trong đó đàn thủy cầm lớn thứ 2 thế giới với khoảng 100 triệu con/năm. Giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi của nước ta đạt từ 4-6%/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng bình quân 3,5%/năm; sản lượng trứng tăng 6,9%/năm…

2005003_g_09262607

Hình minh họa

Các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư mạnh vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn. Mặt khác, Việt Nam là nước nhập siêu sản phẩm chăn nuôi. Chỉ tính riêng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam là 3,53 tỷ USD (chưa kể một lượng lớn gia súc, gia cầm sống nhập lậu theo đường tiểu ngạch). Trong khi đó, xuất khẩu chỉ đạt 515 ngàn USD.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Để xuất khẩu, đầu tiên là ATDB, an toàn thực phẩm. Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đạt nên các tỉnh, thành trong cả nước cần phải rà soát lại vấn đề này để tham mưu, tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trung Quốc đang cần nhập khoảng 25 triệu con heo/năm, nếu Việt Nam không xuất khẩu được thì đến khi họ đã có đối tác sẽ rất khó cạnh tranh. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng ATDB để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam, gây ra “cái chết” của chăn nuôi nông hộ và các trang trại; phải tính lộ trình xuất khẩu, chứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa.

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới, một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt là phải xây dựng được vùng chăn nuôi ATDB. Đây cũng là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững. Người chăn nuôi thực hiện ATDB sẽ hạ được chi phí chăn nuôi xuống thấp vì giảm được đầu tư phòng, chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy khi vật nuôi gặp dịch bệnh; vấn đề tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo…

Hiện cả nước đã có 18 huyện ATDB, chủ yếu tập trung vào các tỉnh Đông Nam Bộ với hàng ngàn cơ sở ATDB. Nhưng đến nay vẫn chưa có vùng, cơ sở nào đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới làm cơ sở trong đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang, Đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng ATDB của cả nước. Hiện toàn tỉnh có 5 huyện được công nhận vùng ATDB; 11 xã được chứng nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 657 trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATDB.

Ngành chăn nuôi Đồng Nai tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh nhân rộng vùng, cơ sở ATDB đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) Lê Văn Quyết cho biết, từ năm 2017, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi chăn nuôi gà theo chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Hiện chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh của hợp tác xã cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/năm. Thị trường xuất khẩu còn giàu tiềm năng vì không chỉ Nhật Bản, mà nhiều nước khác cũng có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:08

(CL&CS) - Ban Cơ yếu Chính phủ đang lấy ý kiến về quy định, tiêu chuẩn liên quan đến kỹ thuật mật mã và mã khối MKV.

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 10:15

(CL&CS) - Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp doanh nghiệp đảm bảo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:00

(CL&CS) - Vào tháng 1 năm 2024, Tiến sĩ Sung Hwan Cho (Hàn Quốc) đảm nhận vị trí mới là Chủ tịch ISO. Trong thông điệp chào mừng, ông chia sẻ suy nghĩ của mình về cách ISO có thể tăng cường phạm vi tiếp cận của mình để ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện tại và trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông trong hai năm tới.