Thứ tư, 15/05/2024, 09:07 AM

Cần thiết sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

(CL&CS) - Sau hơn 17 năm triển khai, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, trong đó có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế; đồng thời, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Các bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Một số quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố TCVN, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp với thực tiễn như: hiện nay, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng Thông tư ban hành QCVN) và quy trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật khiến các Bộ ngành, UBND gặp khó khăn, bất cập khi xây dựng QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia), QCĐP (quy chuẩn kỹ thuật địa phương); chưa có quy định về đánh giá tác động khi xây dựng QCVN khiến một số QCVN sau khi ban hành không phù hợp trong thực tiễn áp dụng; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh; hình thức và nội dung thẩm định QCVN...).

Mặt khác, hoạt động xây dựng, ban hành, áp dụng QCĐP thời gian qua phát triển mạnh, do yêu cầu thực tiễn tại các địa phương cần phải tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị…, đặc biệt tại các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung. Nhưng quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn QCĐP lại khá chung chung, chưa cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xây dựng, áp dụng QCĐP tại địa phương. Vì vậy, các địa phương còn lúng túng khi tiến hành xây dựng, thẩm định, áp dụng QCĐP trong thực tế hiện nay, đặc biệt là đối với các QCĐP có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất chất lượng. Quy định, cơ chế quản lý TCCS hiện nay rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan.

Vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về TCCS; gây khó khăn, hạn chế trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới TCCS, ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn...

Do vậy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần phải được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Hoàn thiện thể chế lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, các nội dung được xem xét sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục tồn tại, bất cập trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành mà quan trọng hơn thể hiện tầm nhìn, chiến lược của Việt Nam trong sân chơi quốc tế, khu vực. Việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu, vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp. Nếu thiếu một trong hai vế thì sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa đổi Luật.

Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Văn Khôi cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm: Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Thứ hai, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, bảo đảm sự thống nhất, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn. Thứ tư, nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”...

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi); gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan và dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh, lừa đảo tuyển dụng công chức

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh, lừa đảo tuyển dụng công chức

sự kiện🞄Thứ năm, 13/06/2024, 15:42

(CL&CS) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phát đi cảnh báo về việc thời gian qua xuất hiện nhiều nhóm Zalo, email, Facebook giả mạo các đơn vị của bộ để thực hiện những thủ đoạn lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác tình trạng giả mạo website và con dấu của Bộ Tài chính

Người dân cần cảnh giác tình trạng giả mạo website và con dấu của Bộ Tài chính

sự kiện🞄Thứ tư, 12/06/2024, 14:51

(CL&CS) - Bộ Tài chính cho biết đối tượng xấu đã lập một website giả mạo cùng các văn bản và con dấu giả của Bộ để đánh lừa người dân chuyển tiền.

Xả thải vượt quy chuẩn, công ty sản xuất phân bón ở Long An bị phạt

Xả thải vượt quy chuẩn, công ty sản xuất phân bón ở Long An bị phạt

sự kiện🞄Thứ tư, 12/06/2024, 13:25

(CL&CS) - UBND tỉnh Long An cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH An Hưng Nông (ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An) 312 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.