Văn hóa và Đời sống
Thứ sáu, 18/10/2024, 09:57 AM

Bảo tồn truyền thống dân tộc Tày xóm bản Đông: Tạo điểm nhấn bản sắc văn hóa riêng biệt gắn với du lịch bền vững

(CL&CS) - Dự án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày, xóm bản Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ cơ sở vật chất trang thiết bị văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Dự án Bảo tồn làng truyền thống xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương được Sở VHTT&DL Thái Nguyên, UBND huyện Phú Lương phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện nhằm triển khai thực hiện Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn từ năm 2021-2025. 

Xóm Bản Đông có 137 hộ với 544 khẩu, hiện có 29 hộ gia đình vẫn còn gìn giữ ngôi nhà sàn, trong đó có 19 nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày được lưu giữ nguyên bản, nhân dân nơi đây vẫn duy trì làn điệu hát Then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày và nhiều loại nông sản truyền thống có giá trị kinh tế. Từ xóm Bản Đông có thể kết nối với các điểm di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã được công nhận là di sản mang giá trị nhiều mặt là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch về nguồn. 

1

Ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.

Dự án được đầu tư triển khai trên diện tích trên 1.800m2, quy mô đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng xây dựng nhà vệ sinh, sân khấu, bảo tồn 5 nhà sàn truyền thống và các hạ tầng kỹ thuật tổng thể. Hỗ trợ phát triển du lịch xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phù hợp với địa phương, trang bị thùng rác công cộng, hỗ trợ phục dựng cảnh quan, làm giàu tài nguyên đường dạo nội bộ, điện chiếu sáng sơ đồ tour tuyến biển hiệu các hộ gia đình có dịch vụ phục vụ khách du lịch… 

Đến nay, xã Ôn Lương đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, họp lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân về triển khai dự án và được nhân dân xóm Bản Đông đồng tình ủng hộ và tự nguyện hiến đất để thực hiện dự án. 

Các nội dung dự án sẽ hỗ trợ văn hóa vật thể đó là nhà sàn ở truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ hoạt động như nghề truyền thống, trang phục truyền thống, các món ăn truyền thống, dân ca dân vũ dân  nhạc các trò chơi dân gian; tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền về du lịch, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người dân; hình thành điểm du lịch, du lịch trải nghiệm để xóm Bản Đông, xã Ôn Lương trở thành điểm đến lí tưởng của du khách. 

2

Mặt bằng quy hoạch Nhà văn hóa xóm Bản Đông, xã Ôn Lương.

Theo đó, dự án đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và lựa chọn 5 hộ gia đình còn giữ nguyên ngôi nhà sàn truyền thống và lựa chọn phương án xây dựng mới nhà văn hóa của xóm theo thiết kế của Sở VHTTDL Thái Nguyên và mong muốn dự án này được triển khai trong năm 2024, nhằm xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Thái Nguyên. 

Huyện Phú Lương đã và đang triển khai khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động bảo tồn đón nhận được sự đồng thuận của bà con các dân tộc và sự hỗ trợ nhiệt tình của các nghệ nhân- chủ thể văn hóa. Với việc bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày, xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương kỳ vọng và mong muốn các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn sẽ trở thành tài sản, góp phần thu hút du khách. 

Nhà sàn truyền thống của người Tày tại Bản Đông thường có 3 đến 5 gian, đa phần đã có tuổi đời trên 20 năm. Sau chừng đó thời gian phần lớn những căn nhà sàn đã bắt đầu xuống cấp, cột kèo mục nát, vì vậy việc tu bổ, bảo tồn nhà sàn nói riêng đã giải toả phần nào nỗi lo lắng của đồng bào .Người dân nơi đây tin rằng, nếu trùng tu, phục dựng lại nguyên bản nhà sàn của người Tày sẽ mở ra những hướng mới về phát triển kinh tế như làm du lịch cộng đồng, homestay... Khi đó, văn hóa của đồng bào Tày từ bao nhiêu đời nay sẽ được nhiều người biết đến.

3

Việc bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày, xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương kỳ vọng và mong muốn các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn sẽ trở thành tài sản, góp phần thu hút du khách. 

Ngoài ra, các di sản phi vật thể của người Tày như hát Then, điệu ví cũng được phục dựng, gìn giữ. Theo đồng bào dân tộc Tày ở xóm bản Đông đây thực sự là một dự án có ý nghĩa, góp phần gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa, quan trọng hơn người Tày ở đây đứng trước cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế nhờ việc làm du lịch cộng đồng.

Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên, những dự án bảo tồn, phát triển các làng văn hoá trên địa bàn thời gian qua đã cho những kết quả khả quan. Không chỉ những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào được gìn giữ mà từ đây trở thành tiền đề quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tại TP Thái Nguyên là một ví dụ điển hình.

Đặc biệt, xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa đối với quá trình phát triển, biến các di sản văn hóa trở thành nguồn lực văn hóa quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển du lịch, thời gian tới, Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực, phát huy giá trị bản sắc văn hoá con người Thái Nguyên với 3 định hướng: Văn hóa trở thành nguồn lực, động lực phát triển; phát huy giá trị truyền thống văn hóa để truyền cảm hứng, khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên "bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”; tạo bản sắc văn hóa riêng và vị thế của tỉnh trong hội nhập, hợp tác quốc tế.

Theo Nhà báo và công luận

Bình luận

Nổi bật

Sóc Trăng: Khai mạc Lễ hội Oóc Om Boc – Đua ghe Ngo năm 2024

Sóc Trăng: Khai mạc Lễ hội Oóc Om Boc – Đua ghe Ngo năm 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:13

(CL&CS) - Tối ngày 13/11, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

8WONDER Winter phiên bản supershow mang đến chuỗi lễ hội Giáng sinh và siêu nhạc hội có 1-0-2 tại Sài Thành

8WONDER Winter phiên bản supershow mang đến chuỗi lễ hội Giáng sinh và siêu nhạc hội có 1-0-2 tại Sài Thành

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 08:10

(CL&CS) - 8WONDER Winter 2024 lần đầu tiên mang định nghĩa supershow đến Việt Nam với quy mô hoành tráng, đa dạng hoạt động trải nghiệm từ nhạc hội đến lễ hội, cùng dàn nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu trong và ngoài nước. Với 01 siêu nhạc hội và siêu hội gồm 75 hoạt động độc đáo quy mô chưa từng có, 8WONDER Winter được kỳ vọng sẽ xác lập kỷ lục “Chuỗi lễ hội Giáng sinh và nhạc hội quy mô lớn nhất Việt Nam”. Dự kiến đón gần 250.000 lượt khách, sự kiện hứa hẹn không chỉ là một bữa tiệc âm nhạc đỉnh cao mà còn là một hành trình lễ hội đa trải nghiệm, đầy bất ngờ.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 14:10

(CL&CS) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng trên địa bàn 3 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên”.