Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao năng suất ngành sản xuất thời trang hiện nay
(CL&CS) - Trong xu thế ngày nay, ngành sản xuất thời trang đang chịu áp lực ngày càng lớn từ thị trường toàn cầu với yêu cầu về chất lượng, thời gian giao hàng, chi phí và tính bền vững. Đặc biệt, các thương hiệu lớn trên thế giới đòi hỏi nhà cung ứng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy trình, an toàn lao động, kiểm soát chất lượng và thân thiện môi trường.
Lợi ích cụ thể
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001 (quản lý chất lượng), ISO 14001 (quản lý môi trường), SA8000 (trách nhiệm xã hội), và Lean Manufacturing không chỉ giúp doanh nghiệp thời trang Việt Nam nâng cao năng suất, mà còn cải thiện uy tín trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp cải thiện sản xuất
Chuẩn hóa quy trình sản xuất: Áp dụng ISO 9001 giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng bài bản, từ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến kiểm tra đầu ra. Nhờ đó, sản phẩm được đồng nhất về chất lượng, giảm sai lỗi, giảm phế phẩm, tiết kiệm chi phí.
Tăng hiệu quả và giảm lãng phí: Lean Manufacturing (Sản xuất tinh gọn) giúp phát hiện và loại bỏ các công đoạn không tạo giá trị, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm tồn kho, và tăng năng suất lao động.
Nâng cao trách nhiệm xã hội và môi trường: Tiêu chuẩn SA8000 đảm bảo điều kiện lao động an toàn, không phân biệt đối xử, tôn trọng quyền lao động… tạo môi trường làm việc tích cực, nâng cao tinh thần nhân viên, giảm tỷ lệ nghỉ việc. ISO 14001 giúp doanh nghiệp quản lý tốt chất thải và tiêu thụ năng lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác nước ngoài về phát triển bền vững.
Mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh: Các thương hiệu quốc tế thường yêu cầu nhà cung ứng phải có chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng và trách nhiệm. Việc có chứng nhận này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các đơn hàng lớn, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Khó khăn và thách thức
Chi phí đầu tư ban đầu cao: Việc xây dựng hệ thống quản lý, đào tạo nhân sự, cải tiến thiết bị đòi hỏi nguồn vốn lớn, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận.
Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn: Áp dụng thành công các tiêu chuẩn đòi hỏi đội ngũ quản lý và nhân viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm vận hành hệ thống. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện còn hạn chế ở nhiều địa phương.
Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: Tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi sự kỷ luật, minh bạch và cải tiến liên tục, khác biệt với cách vận hành truyền thống. Điều này cần sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn bộ nhân viên.
Thực tiễn doanh nghiệp tại Việt Nam
Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông xuân (Nhà máy Dệt kim Đông xuân trước đây) với tên giao dịch DOXIMEX, được thành lập từ năm 1959. Là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên của ngành dệt kim Việt Nam, với dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ dệt, xử lý hoàn tất vải, cắt, may, in, thêu trên dây chuyền thiết bị Châu ÂU và Công nghệ sản xuất của Nhật bản. Các sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm Dệt kim 100% Cotton và các sản phẩm pha sợi tổng hợp biến tính tỷ lệ thấp được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, giữ được uy tín trong hơn 50 năm qua.

Hệ thống quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp tiên phong phát triển
Đơn vị đã áp dụng ISO 9001: Quản lý chất lượng, WRAP (Worldwide Responsible Accredited Production): Tiêu chuẩn trách nhiệm sản xuất toàn cầu, nhờ đó, doanh nghiệp có những hành động cụ thể với việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuyên suốt từ kiểm tra nguyên liệu đầu vào, quy trình cắt, may, kiểm hàng;Tăng cường quyền lợi người lao động từ cải thiện bữa ăn ca đến xây dựng phòng nghỉ tiêu chuẩn cho công nhân nữ; Kết quả đạt được với tỷ lệ giao hàng đúng hạn đạt 98%; Giảm thiểu lỗi nội bộ tới 40% nhờ cảnh báo sớm và kiểm soát theo thời gian thực tế. Việc kết hợp giữa quản lý chất lượng và trách nhiệm xã hội tạo nên lợi thế kép giúp doanh nghiệp vừa có thể nâng cao năng suất, vừa nâng cao hình ảnh trong mắt đối tác quốc tế.
Tổng Công ty May 10 đã áp dụng ISO 9001: Hệ thống quản lý chất lượng và SA8000: Trách nhiệm xã hội bằng những hành động cụ thể như thiết lập quy trình chuẩn hóa cho từng công đoạn may, là, đóng gói; Đào tạo toàn bộ nhân viên quản lý và chuyền trưởng về nhận diện lỗi sản phẩm và phản hồi nhanh; Thành lập bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội (lương, thời giờ làm việc, lao động chưa thành niên…). Kết quả đạt được là tỷ lệ sản phẩm lỗi giảm từ 4,2% xuống còn 1,7% trong vòng 1 năm; Tăng năng suất chuyền may 12–15% nhờ loại bỏ thao tác thừa và sắp xếp hợp lý thiết bị; Được H&M, Uniqlo lựa chọn làm đối tác vì đạt yêu cầu trách nhiệm xã hội.

Tổng Công ty May 10 đã khẳng định vị thế Thương hiệu Quốc gia tại thị trường trong nước
Tiên phong, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát huy lợi thế, chủ động tìm kiếm các giải pháp, đưa ra thị trường các sản phẩm hợp thị hiếu trong nước, Tổng Công ty May 10 đã khẳng định vị thế Thương hiệu Quốc gia tại thị trường trong nước. Là đơn vị có bề dày trong ngành may mặc Việt Nam, May 10 đã có hơn 78 năm ( May 10 thành lập từ năm 1946) hình thành và phát triển, được biết là một trong những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cho dệt may toàn cầu.
Thực tế từ những năm 90 của thế kỷ trước Ban lãnh đạo May 10 đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa song song với thị trường xuất khẩu, mục tiêu đưa các sản phẩm mang công nghệ chất lượng quốc tế đến với người tiêu dùng Việt Nam. Sau hơn 30 năm triển khai chiến lược tại thị trường nội địa, đến nay, May 10 được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng thời trang công sở tại Việt Nam (được nhiều cơ quan, ban ngành cán bộ, nhân viên văn phòng sử dụng) với đa dạng các dòng sản phẩm.
Đặc biệt kênh đáp ứng nhu cầu cá thể hóa sản phẩm thời trang, dịch vụ May đo veston cao cấp của May 10 hiện đang khá thành công ở phân khúc cao cấp cho chính khách, doanh nhân thành đạt… Những năm qua doanh thu của May 10 luôn có sự tăng trưởng trung bình khoảng 10% so với kế hoạch, thực tế này cho thấy chiến lược chinh phục thị trường nội địa của May 10 đang đi đúng hướng.
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, với việc luôn nghiêm túc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng cùng những cộng hưởng từ Cuộc vận động, Thương hiệu May 10 đã được lan tỏa nhiều và sâu rộng. Đến nay sau 15 năm Cuộc vận động triển khai, Thương hiệu May 10 đã có quy mô tăng trưởng gấp 3 lần; các thương hiệu do May 10 sản xuất như Grus, May 10 Series…, gần đây nhất là 2 thương hiệu mới Generos và DeTheia không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước qua kênh thương mại điện tử.
Để ngành thời trang Việt Nam chuyển mình từ “công xưởng gia công” sang vị thế chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ hay ưu đãi thuế. Đầu tư vào tiêu chuẩn hóa – cả về quy trình, con người lẫn tư duy quản trị – chính là nền tảng để nâng cao năng suất một cách bền vững.
Tùng Lộc
Bình luận
Nổi bật
Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao năng suất ngành sản xuất thời trang hiện nay
sự kiện🞄Thứ tư, 21/05/2025, 16:03
(CL&CS) - Trong xu thế ngày nay, ngành sản xuất thời trang đang chịu áp lực ngày càng lớn từ thị trường toàn cầu với yêu cầu về chất lượng, thời gian giao hàng, chi phí và tính bền vững. Đặc biệt, các thương hiệu lớn trên thế giới đòi hỏi nhà cung ứng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy trình, an toàn lao động, kiểm soát chất lượng và thân thiện môi trường.
Thái Nguyên: Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp và hợp tác xã
sự kiện🞄Thứ hai, 19/05/2025, 14:58
(CL&CS) - Vừa qua, Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Thị Thủy – Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ba đơn vị: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Điện lực Thái Nguyên và Hợp tác xã Miến Việt Cường về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Việt Nam Thái Lan trao nhiều văn kiện hợp tác quan trọng
sự kiện🞄Thứ sáu, 16/05/2025, 13:24
Sáng 16/5, sau khi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 nội các chung Việt Nam – Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.