Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp văn hóa thủ đô Hà Nội

(CL&CS) - Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, có bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

Nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Ngày 22/02/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết có mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng, phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, chúng ta cần bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai.

Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, khi có giáo dục, định hướng phù hợp thì đó chính là hình thức giáo dục sáng tạo quan trọng. Hình thức giáo dục này cùng với giáo dục khoa học sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo của khu vực, thành phố kết nối toàn cầu. Đó chính là mục tiêu mà công nghiệp văn hóa mang lại.

Nhìn tổng thể, thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể; Tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Tuy nhiên, theo TS Phạm Đắc Thi, hệ thống giải pháp chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, còn giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa hiện chưa được đề cập cụ thể.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; Là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực Châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế; Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Theo TS. Trịnh Thúy Hương - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mũi nhọn là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Về công tác đào tạo chuyên gia, Chính phủ nên có chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một bảng lương “vượt trội” để khuyến khích lực lượng lao động chất lượng cao.

Về công tác truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên thông qua các Hiệp hội (cần có kinh phí hỗ trợ) để trực tiếp tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp; đồng thời trực tiếp xuống hiện trường để cải tiến, đào tạo cho doanh nghiệp và người lao động.

Về công tác đào tạo người lao động, các doanh nghiệp cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho doanh nghiệp mình.  

TIN LIÊN QUAN