Thứ năm, 18/04/2024, 16:33 PM

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn của Việt Nam

(CL&CS) - Mới đây, Quỹ VinFuture chính thức công bố bắt đầu khởi động chuỗi sự kiện kết nối khoa học công nghệ InnovaConnect năm 2024, nhằm tăng cường giao lưu học thuật, trao đổi chuyên môn và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học uy tín thế giới với các viện, trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Chuỗi sự kiện InnovaConnect là các cuộc thảo luận hợp tác và hội thảo khoa học chuyên môn sâu được tổ chức trực tiếp ngay tại Việt Nam với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam. Bên cạnh việc trao đổi các thông tin về công nghệ tiên tiến nhất; chương trình còn có các thảo luận bàn tròn, các buổi tư vấn, định hướng… nhằm tìm ra những ý tưởng và giải pháp mới, có tính thực tiễn cao.

DIEN-BUIDUYHAI-1

Điểm nhấn của sự kiện InnovaConnect là tọa đàm khoa học với chủ đề “Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững” diễn ra vào chiều 17/4 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Buổi tọa đàm có sự xuất hiện của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn thế giới như GS. Lee Young Hee – Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAST) và GS. Park Inkyu – Giáo sư chủ nhiệm tại Khoa Kỹ thuật Cơ khí thuộc Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).

anh-1-2-

 Những nhà khoa học uy tín thế giới với các Trường, Viện hàng đầu Việt Nam

Trong đó, GS. Lee Young Hee hiện là Giám đốc Trung tâm Vật lý Cấu trúc Nano Tích hợp (CINAP) thuộc Viện Khoa học Cơ bản (IBS) tại Đại học Sungkyunkwan (SKKU), với hơn 80.000 trích dẫn khoa học, chỉ số h-index là 135. GS. Park Inkyu đạt Giải thưởng Top 10 công nghệ nano Hàn Quốc 2023, Giải thưởng Sáng kiến Nano 2023 được trao bởi Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc (MSIT).

Đại diện cộng đồng khoa học Việt Nam trình bày tại buổi hội thảo là GS. Nguyễn Đức Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Vật liệu tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. GS Hòa đã công bố trên 150 bài báo quốc tế uy tín và tổng trích dẫn hơn 7.500 lần, với chỉ số h-index là 54.

Các giáo sư chia sẻ về những xu hướng công nghệ mới nhất, trao đổi về những kế hoạch hợp tác để hỗ trợ xây dựng chương trình nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, hợp tác xây dựng khung chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn của Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng ra đời chuỗi sự kiện InnovaConnect, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture, cho biết: “Một trong những sứ mệnh quan trọng của Quỹ VinFuture là để thế giới có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy và ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ, từ đó dần khẳng định vị thế đất nước trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Thông qua chuỗi sự kiện InnovaConnect, VinFuture tiếp tục đẩy mạnh việc lan tỏa các mô hình, công nghệ, giải pháp tiêu biểu, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam với thế giới để cùng sáng tạo nên những công nghệ hữu ích, có tác động tích cực đến cuộc sống nhân loại”.

Trước InovaConnect, Quỹ VinFuture đã tổ chức 14 tọa đàm khoa học InnovaTalk (trực tuyến) với sự tham gia của hàng ngàn chuyên gia, nhà khoa học và nghiên cứu sinh xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh giá trị lớn lao mà giải thưởng VinFuture mang lại, các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển Khoa học – Công nghệ của Quỹ VinFuture trong suốt hơn 3 năm qua đã và đang mang tới tầm vóc và uy tín quốc tế mới cho nền khoa học – công nghệ Việt Nam, đồng thời góp phần mở ra những cơ hội hợp tác để phát triển các dự án khoa học công nghệ tiềm năng trong tương lai.

Nhìn từ năng lực nội tại, Việt Nam hiện đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lao động dồi dào, Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam…

Cùng với xu thế phát triển trên thế giới, theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt, nhân lực có trình độ cao không ngừng tăng. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực CNTT, tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được nhiều sự quan tâm của thế hệ trẻ. Đây là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bởi thế, các cơ sở đào tạo trong nước cần có kế hoạch đào tạo, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng lợi thế này.

Giới chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, dù ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng chúng ta chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn khá sơ khai, mạnh ai nấy làm, có lúc làm theo phong trào.

Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, theo các chuyên gia cần tập trung vào 3 nội dung chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Quảng Ninh: Diễn đàn đầu tư số Quốc tế tại Việt Nam năm 2024

Quảng Ninh: Diễn đàn đầu tư số Quốc tế tại Việt Nam năm 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 20/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Diễn đàn đầu tư số quốc tế tại Việt Nam năm 2024.

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024 (Data for life 2024) do Bộ Công an phát động, đã chọn được 10 đội xuất sắc vào chung kết, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tới.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thúc đẩy kinh tế số

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thúc đẩy kinh tế số

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:51

(CL&CS) - Hiện nay, việc ưu tiên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có tiềm năng lớn và dư địa phát triển kinh tế số gồm: Thương mại bán buôn, bán lẻ; nông nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; logistics.