Bảng giá đất mới tác động tới thị trường TP HCM như thế nào?

Cuối năm 2024, TP.HCM chính thức ban hành bảng giá đất mới, đánh dấu bước tiến quan trọng với mức giá tăng từ 4 đến 38 lần, nhằm minh bạch hóa và tiệm cận giá trị thị trường.

Vừa qua, TP.HCM công bố bảng giá đất mới theo Quyết định số 79 có hiệu lực kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ năm 2020, với mức giá đất tăng mạnh, từ 4 đến 38 lần tùy khu vực. Mức giá thấp nhất tại Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) là 2,3 triệu đồng/m², trong khi cao nhất tại các tuyến đường trung tâm quận 1 như Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ đạt 687,2 triệu đồng/m². 

Theo đơn vị nghiên cứu Savills, việc điều chỉnh bảng giá đất được tin tưởng sẽ không chỉ đảm bảo tính công bằng, mà còn thúc đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng quan trọng của thành phố. Việc định giá đất sát với giá trị thị trường giúp giảm thiểu tranh chấp trong giải phóng mặt bằng – một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án lớn như đường Vành đai 3 và tuyến Metro số 2 bị trì hoãn nhiều năm.

Tác động của bảng giá đất mới lên thị trường bất động sản TP.HCM

Savills phân tích, bảng giá đất mới mang lại nhiều tác động đến các nhóm đối tượng khác nhau trên thị trường, từ người dân, doanh nghiệp đến các nhà đầu tư nước ngoài.  

Theo đó, người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo quyền lợi hơn hẳn lúc trước. Đây là nhóm tác động chính. Với mức giá tiệm cận giá trị thị trường, các khoản đền bù trở nên minh bạch và hợp lý hơn, giúp giảm thiểu tranh chấp đất đai. Điều này đặc biệt quan trọng trong các dự án hạ tầng lớn như đường Vành đai 3 hoặc tuyến Metro số 2. 

Theo bà Giang Đỗ, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Savills Việt Nam, bảng giá đất mới không chỉ giúp tăng sự đồng thuận của người dân mà còn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, vốn là yếu tố then chốt cho các dự án lớn.  

Ngoài ra, bảng giá đất mới ban hành được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng xác định chi phí và tính toán lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực. 

“Việc bảng giá đất được điều chỉnh minh bạch hơn, dựa trên giá trị thực tế, sẽ tạo niềm tin lớn hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là bước tiến cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.”, đại diện Bộ phận Tư vấn Savills Việt Nam chia sẻ. 

Ở chiều ngược lại, bảng giá đất mới tạo áp lực tài chính cho các chủ đầu tư. Chi phí sử dụng đất tăng cao khiến giá thành sản phẩm bất động sản leo thang, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. 

“Chúng tôi lo ngại rằng, chi phí sử dụng đất tăng sẽ gây áp lực lên giá thành sản phẩm, đặc biệt ở phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp. Đây là một thách thức cần được xem xét kỹ lưỡng”, Bà Giang cho hay.

Đặc biệt, tại các khu vực ngoại thành, mức giá đất mới khiến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trở nên khó khăn hơn, làm giảm cơ hội phát triển các dự án nhà ở giá rẻ.  

Theo đó, TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng bảng giá này sẽ tác động đến những người muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, nhất là các huyện ngoại thành. Họ sẽ phải đóng tiền sử dụng đất, phí trước bạ... cao hơn nhiều. 

Ông Nghĩa đưa ra ví dụ nền đất 100m2 trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) theo bảng giá mới sẽ có tiền chuyển mục đích sử dụng đất tăng 2,4 lần; tức trước đây khoảng 2,1 tỷ đồng, giờ lên hơn 5 tỷ đồng.

Cùng quan điểm, chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên cho rằng với những vùng đất đai đã ổn định như khu vực trung tâm, tầm ảnh hưởng không đáng kể, nhưng các khu vực vùng ven, mức tăng này sẽ là vấn đề lớn với người dân có thu nhập thấp, chưa kịp thực hiện chuyển đổi mục đích đất.

TIN LIÊN QUAN