Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trên thương trường. Để làm được điều đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường ngày càng cao, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một số công cụ cải tiến năng suất hiệu quả
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các hệ thống tiêu chuẩn, công cụ như: ISO, Lean/Kaizen, 5S... giúp cải thiện năng suất tăng từ 15-20%.
Theo các chuyên gia thuộc Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ), việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh những giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điển hình, việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ chất lượng, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng “tinh gọn”. Đồng thời, giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất.
Công cụ 6 Sigma giúp giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Công cụ cải tiến năng suất hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) giúp doanh nghiệp hình thành phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí; Hay công cụ bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày...
Việc áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý với công cụ năng suất chất lượng được xem là giải pháp mới trong xu thế hội nhập nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới sử dụng tối ưu nguồn lực và hoạt động hiệu quả.
Điều này cũng giúp doanh nghiệp sử dụng chung hệ thống tài liệu, tránh sự cồng kềnh, rút ngắn thời gian, chi phí đến 30% so với áp dụng hệ thống riêng lẻ, vận hành hiệu quả và nhanh chóng, đáp ứng đánh giá nghiêm khắc của chuyên gia độc lập bên ngoài, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ của khách hàng.
Số lượng doanh nghiệp áp dụng đồng bộ, tích hợp hệ thống quản lý và công cụ năng suất chất lượng tại Việt Nam hiện có hàng trăm doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như dệt may, chế biến thủy sản.
Kinh nghiệm phát triển nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của các nước đi trước là một trong những bí quyết để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.
Việc áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng góp phần thúc đẩy việc tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng.
Ngoài ra, các công cụ này còn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, năng lượng, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo… giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, chất lượng, giảm chi phí liên quan đến chất lượng, các mục tiêu chất lượng trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất tại Việt Nam cho thấy việc áp dụng còn ít và đạt hiệu quả chưa cao. Môi trường kinh doanh quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường quan tâm hơn đến việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào doanh nghiệp là cần thiết và cần được nhân rộng.
Áp dụng hệ thống quản lý tích hợp và ứng dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng là từng bước thực hành quản lý chất lượng toàn diện (TQM) như hiện nay. Quá trình phát triển này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có cơ sở vững chắc hoàn thiện hệ thống quản lý của mình từ đó có khả năng cải tiến hơn nữa để đạt đến tầm cao trong phát triển năng suất và chất lượng.
Giúp các doanh nghiệp phát triển nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Được biết, trong thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến; đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương chia sẻ, nhân rộng.
Đã có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi và nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng các công cụ cải tiến. Điển hình, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhờ áp dụng Lean 6-Sigma (LSS) tại dây truyền lắp ráp LED, với việc thực hiện cân bằng chuyền, giảm lãng phí, chế tạo các dụng cụ, gá, thay đổi thiết kế và tự động hóa một số thiết bị lắp ráp, bao gói... năng suất lao động của dây chuyền điểm tăng 59%.
Tại Công ty Cổ phần May Nam Hà, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, Công ty đã giảm tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.
Hay Công ty May Hưng Nhân - Tổng Công ty Đức Giang sau 6 tháng triển khai công cụ Lean đã giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25-30%.
Bên cạnh những doanh nghiệp áp dụng thành công các công cụ cải tiến, cũng còn khá nhiều doanh nghiệp dù được hỗ trợ áp dụng nhưng hiệu quả chưa thực sự nổi bật. Lý do là vì sự chuẩn bị của doanh nghiệp để tiếp cận sự hỗ trợ chưa đầy đủ. Thời gian triển khai ngắn mà hiệu quả (thường có đặc tính trễ) đòi hỏi sau một thời gian triển khai đủ dài.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sử dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất thì đổi mới sáng tạo trong sản xuất là một trong những yêu cầu sống còn giúp doanh nghiệp giúp nâng cao năng suất. Và để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là bản thân doanh nghiệp phải biết nắm bắt cơ hội, táo bạo thay đổi, kể cả có thất bại chăng nữa vẫn là bài học quý để dẫn đến thành công.