Xuất khẩu gạo bùng nổ nhưng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không tốt

(CL&CS) - Trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh. Tuy nhiên, không hẳn doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào cũng tận dụng được cơ hội này.

Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh.

Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tương đương hơn 1,5 tỷ USD. Kết quả này tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8%. Mức giá này giúp gạo Việt vượt Thái Lan, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và cũng là mức cao nhất 2 năm qua.

Trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo có nhiều điểm sáng khi  đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh. Tuy nhiên, không hẳn doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào cũng nắm bắt được những cơ hội đó, điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành gạo không mấy khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của  CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) cho thấy doanh thu thuần đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Dù kinh doanh nhiều mảng, song gạo vẫn chiếm hơn 68% tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Tuy vậy, trong kỳ giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp. Mức này thấp hơn một nửa so với ba tháng đầu năm 2022.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng. Kết quả, LTG báo lỗ trước thuế 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 244 tỷ đồng, còn con số lỗ sau thuế là hơn 81 tỷ đồng.

Với kết quả này, Lộc Trời còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng đề ra trong năm nay.

Trước đó tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức vào giữa tháng 4/2023, Tập đoàn Lộc trời cho biết sẽ nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch (400 tỷ đồng) để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên theo định hướng phát triển bền vững.

Một doanh nghiệp lớn khác của ngành gạo là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trong quý đầu năm, nhờ thị trường xuất khẩu gạo sôi động giúp doanh thu của Vinafood 2 tăng tới hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 4.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí tăng mạnh đã làm xói mòn lợi nhuận của “ông lớn” này. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng tăng hơn 30 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận trước thuế của Vinafood 2 trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tiếp tục lỗ 7,16 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hiện lỗ lũy kế của Vinafood 2 đến thời điểm này đã lên gần 2.800 tỷ đồng, tương đương 55,8% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện còn hơn 2.450 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng khiến tình hình kinh doanh của Vinafood 2 dự báo còn nhiều thách thức trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Vinafood 2 đặt mục tiêu đạt doanh thu 15.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay còn nhiều thách thức.

Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) Tập đoàn PAN (PAN) tuy không chịu cảnh thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm đáng kể.

Trong đó, TAR chỉ thu lợi nhuận về gần 8 tỷ đồng, thấp hơn 9% so với cùng kỳ. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, tăng gần 59%.

Theo báo cáo tài chính quý đầu năm, doanh thu thuần của PAN đạt 2.531 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn bán hàng ghi nhận cũng giảm 14% xuống 2.097 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp cũng giảm 14% còn 434 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 50% lên 126 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 55,7% lên 120,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 34,5% xuống 120,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 135 tỷ đồng.

Kết quả, quý 1 PAN báo lãi sau thuế giảm 36,5% so với cùng kỳ xuống 107 tỷ đồng.

Một số tên tuổi khác như Thương mại Kiên Giang (KTC), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) cũng không khá hơn khi lợi nhuận quý 1 bốc hơi hơn một nửa, còn gần 6 tỷ đồng và hơn 35 tỷ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp cùng ngành đang lao đao, cũng có doanh nghiệp gạo khác có lợi nhuận khả quan. Đơn cử như CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) lại báo lãi ròng gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt gần 5 tỷ đồng. Kết quả phi mã này tới từ việc công ty đã tái cấu trúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời phát triển mở rộng thị trường, điều chỉnh giá bán nên doanh thu kỳ này tăng 53%.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng.

Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nói cung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp trong quý 2.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

VinFast và ON Energy hợp tác thúc đẩy sử dụng pin lưu trữ cho điện mặt trời mái nhà

VinFast và ON Energy hợp tác thúc đẩy sử dụng pin lưu trữ cho điện mặt trời mái nhà

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:15

(CL&CS) - TP.HCM, ngày 06/05/2024 - Công ty VinFast và Công ty Cổ phần Năng Lượng Xanh ON Energy thuộc Tập đoàn KTG công bố ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm đẩy mạnh ứng dụng pin lưu trữ năng lượng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

Gần 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa

Gần 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:30

(CL&CS)- Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam - VIETNAM DAIRY 2024" quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:56

(CL&CS) - CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời) có quý 1/2024 tăng trưởng vượt bật về doanh thu với 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ ngành lương thực với mức tăng trưởng 96%.