Xuất khẩu cá tra sang thị trường nhỏ vẫn triển vọng
(CL&CS) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù xuất khẩu cá tra sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại hoặc giảm dần, nhưng có nhiều thị trường vẫn giữ được mức tăng trưởng lạc quan.
Giảm ở thị trường lớn
Theo VASEP, mặc dù xuất khẩu cá tra trong tháng 7 vẫn tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 186 triệu USD, nhưng đó là mức xuất khẩu thấp nhất trong 7 tháng đầu năm. Sau khi đạt đỉnh 310 triệu USD vào tháng 4/2022, xuất khẩu cá tra bắt đầu hạ nhiệt dần dần trong các tháng tiếp theo. Xu hướng đó thể hiện ở cả 2 thị trường Trung Quốc lẫn Mỹ.
VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã đạt đỉnh 113 triệu USD vào tháng 4, mặc dù giá trị kim ngạch tháng 7 giảm xuống còn 44 triệu USD, nhưng cơ hội tại thị trường này vẫn lớn. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt 451 triệu USD, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc trung tâm VASEP, với sản phẩm cá tra Việt Nam tại Trung Quốc, thị phần vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc. Hiện nay, cá tra đông lạnh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 14-15% nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc nới lỏng cơ chế kiểm tra COVID-19, không đình chỉ nhập khẩu khi phát hiện các lô hàng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ giải toả được áp lực tâm lý cũng như chi phí, thời gian cho việc xuất khẩu cá tra cũng như các sản phẩm thuỷ sản khác sang thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng khắt khe trong việc kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nên quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng và các quy định cũng như tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc", bà Hằng lưu ý.
Về thị trường Mỹ, mặc dù xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã đạt mức cao nhất là 81 triệu USD vào tháng 4, nhưng giá trị xuất khẩu cũng đã rơi xuống mức thấp nhất trong tháng 7, chỉ đạt 32 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ năm 2021 tới nửa đầu năm 2022 có được mức giá tương đối cao nên giá trị xuất khẩu thu về khả quan. Tuy nhiên, sau thời gian tăng nóng đó, nhà nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu điều chỉnh giảm giá, vì lượng tồn kho tăng và tiêu thụ tại thị trường cũng chậm lại bởi các yếu tố logistic.
Mặc dù có dấu hiệu giảm tốc, nhưng số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết 7 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn cao hơn 92% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Nhìn chung, theo đánh giá của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra thì sản phẩm này vẫn có nhu cầu tại thị trường Mỹ cũng như các thị trường khác, trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm, giá xuất khẩu sẽ giảm dần.
Gia tăng tại các thị trường nhỏ
Theo VASEP, dù xuất khẩu cá tra sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại hoặc giảm dần, nhưng có nhiều thị trường vẫn giữ được mức tăng trưởng lạc quan cho cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình là thị trường đơn lẻ lớn thứ 3, Mexico vẫn giữ được tăng trưởng cao 87% trong tháng 7/2022.
Bà Lê Hằng cho biết, tính đến thời điểm này, lạm phát tại Mexico đang tăng cao kỷ lục trong 22 năm qua. Người tiêu dùng Mexico phải cân nhắc và giảm chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá cao. Với lợi thế về giá cạnh tranh, lại thêm thuận lợi thuế ưu đãi theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định của các nhà nhập khẩu thuỷ sản Mexico.
Trong bối cảnh đồng USD tăng giá so với nhiều đồng ngoại tệ khác, là một thách thức cho các nhà xuất khẩu. Tại một số thị trường có đồng nội tệ mất giá, nhà nhập khẩu bị thiệt hại, nên sẽ cân đối kế hoạch nhập khẩu.
Thậm chí, đã có tình trạng nhà nhập khẩu “mặc cả hạ giá” hoặc đề nghị nhà xuất khẩu Việt Nam giao hàng chậm lại, khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm chi phí lưu kho. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với thị trường Mexico, đồng USD tăng giá lại là một tin tốt vì Mexico là một trong số ít nước được nhận lượng kiều hối rất lớn từ Mỹ. Do vậy, tiêu dùng thực phẩm của thị trường này cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các thị trường khác.
Xuất khẩu sang 2 thị trường còn lại trong top 5 là Brazil và Thái Lan đều tăng 2 con số trong tháng 7 với mức tăng lần lượt là 40% và 34% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong tháng 7/2022, có nhiều thị trường bứt phá về nhập khẩu cá tra Việt Nam như Canada: Tăng gấp hơn 4 lần, Hong Kong tăng 114%, Australia tăng 143%, Singapore tăng gấp hơn 2 lần, Philipinnes tăng gấp 3,5 lần… Điều này cho thấy, xuất khẩu cá tra của Việt Nam còn nhiều cơ hội gia tăng tại các thị trường nhỏ khác.
Minh Vân
Bình luận
Nổi bật
Tâm điểm CL&CS: Ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 11:48
(CL&CS) - Những nội dung chính: Ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để; Thiết kế sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập; Tin giả, tin sai sự thật là vấn đề toàn cầu; Hà Nội phấn đấu có hơn 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Tâm điểm CL&CS: Yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết năm 2025
sự kiện🞄Thứ sáu, 08/11/2024, 21:32
(CL&CS) - Những nội dung chính: Tuyến đường sắt nối với Trung Quốc dự kiến khởi công vào 2025; Đấu thầu mua sắm trên 100 triệu đồng, gây lãng phí; Các địa phương được yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết năm 2025; Giá vàng nhảy múa sau bầu cử tổng thống Mỹ.
Tâm điểm CL&CS: Giá cho thuê nhà ở xã hội đắt ngang nhà thương mại
sự kiện🞄Thứ bảy, 02/11/2024, 13:32
(CL&CS) - Những nội dung chính: Cảnh báo nồng độ CO2 đạt mức kỷ lục khiến Trái đất nóng lên; Đẩy mạnh quản lý TMĐT trước “cơn lốc” hàng giá rẻ; Giá cho thuê NƠXH Hà Nội đắt ngang nhà thương mại; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quy hoạch đầu tư.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.