Thứ tư, 16/04/2025, 15:25 PM

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số nâng tầm cây chè Thái Nguyên

(CL&CS) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành chè Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn quốc tế, đo lường và kiểm soát chất lượng, cùng quá trình chuyển đổi số.

Ứng dụng công nghệ và sở hữu trí tuệ – nền tảng vững chắc cho ngành chè

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường quốc tế, ngành chè Thái Nguyên đã tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và truyền thống lâu đời để khẳng định vị thế trung tâm chế biến chè trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Với hơn 22.500ha diện tích trồng chè và sản lượng chè búp tươi đạt trên 267.500 tấn/năm, sản phẩm chè của Thái Nguyên không chỉ đóng góp vào giá trị kinh tế của tỉnh mà còn tạo tiền đề cho việc áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

1

Ứng dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chè. Ảnh: Tân Cương xanh

Là một trong những đơn vị xuất khẩu chè lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH Tân Cương Xanh phải đảm bảo các yếu tố về điều kiện nhà xưởng cũng như chất lượng sản phẩm để xuất khẩu đi Úc và Đài Loan. Được biết, bên cạnh những kỳ vọng về xuất khẩu chè chất lượng cao sang thị trường truyền thống, Công ty đang tiếp cận và hướng đến những nước có tiềm năng ở Châu Âu như Đức.

Anh Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Tân Cương Xanh Thái Nguyên cho biết, quá trình chuẩn bị dài của Công ty từ khâu xây dựng nhà máy, nhà xưởng đặt các tiêu chuẩn của xuất khẩu như FDI ISO. Để làm như thế thì Công ty chú trọng vào vấn đề trà sạch, hiện Công ty đang có diện tích trồng hữu cơ. Khi mà đưa các sản phẩm sang bên nước ngoài kiểm nghiệm phải đạt các tiêu chí của bên nước họ.

Cũng là một trong những đơn vị xuất khẩu chè lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bà Đỗ Thị Đức Lý - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Cương Hoàng Bình cho biết, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, như là khách hàng đi Mỹ, sản phẩm xuất đi Mỹ thì chúng tôi phải mang những lô sản phẩm đó để đi xét nghiệm, trước hết là theo tiêu chuẩn Việt Nam và gửi cho đối tác để cho các cơ quan chức năng hải quan của Mỹ người ta kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì chúng ta mới có thể xuất khẩu được lô hàng đấy vào Mỹ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 doanh nghiệp, trên 160 hợp tác xã, trên 250 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ sản xuất, chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao. Hiện nay, bên cạnh những thị trường truyền thống như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Mỹ. Sản phẩm trà xanh có giá trị cao của tỉnh Thái Nguyên đang dần chiếm thị phần ở những nước khó tính như Châu Âu... Nhằm tăng cường quản lý chất lượng chè, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đặc biệt chú trọng phối hợp với các địa phương phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục tăng cường kiểm tra, kiểm soát quy trình chế biến chè, kiên quyết không để tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chè Hà Thái, để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước trên toàn cầu, nhưng để đạt mong muốn trong tương lai tới đây, chúng tôi được Nhà nước phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ, tiếp tục hỗ trợ cho bà con nông dân về phân bón cũng như là kỹ thuật để bà con cùng với doanh nghiệp liên doanh, liên kết, kết nối cung cầu, sản xuất ra những cái sản phẩm đạt tiêu chuẩn để đưa vào tất cả các cái thị trường một cách thuận tiện.

Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên. Hiện tại, ở Thái Nguyên có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là "Tứ đại danh trà" đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, hệ thống chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” – được cấp giấy chứng nhận từ năm 2007, sau đó được bảo hộ bởi Liên minh châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) . Đến ngày 14/2/2023, “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã tạo dựng niềm tin vững chắc cho sản phẩm chè trên thị trường. Việc đăng ký mã số vùng trồng cùng với tổ chức bài bản các hồ sơ, thủ tục đăng ký không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ giá trị và danh tiếng của chè Thái Nguyên trên trường quốc tế.

Tiêu chuẩn, đo lường và chuyển đổi số là đòn bẩy cho sự phát triển bền vững

Để đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm chè theo tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 3/2/2025, đề ra những mục tiêu cụ thể cho ngành chè giai đoạn 2025-2030. Theo đó, đến năm 2030, 70% diện tích chè phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 70% diện tích sẽ được cấp mã số vùng trồng và 100% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè phải đảm bảo quy định an toàn thực phẩm.

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chính quyền tỉnh và các doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng máy móc hiện đại và tự động hóa trong sản xuất và chế biến chè. Hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động, lưới cắt nắng hiện đại, máy hút chân không và máy đóng gói tự động đã được lắp đặt tại nhiều cơ sở sản xuất. Những thiết bị này không những giúp tăng năng suất và chất lượng chè búp tươi mà còn đảm bảo quy trình sản xuất luôn đạt chuẩn quốc tế, từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản.

Đổi mới công nghệ còn được mở rộng qua việc tích hợp công nghệ số trong quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm. Hệ thống dữ liệu số được áp dụng giúp các cơ quan kiểm soát chất lượng nông lâm sản và thủy sản theo dõi, giám sát chặt chẽ từng khâu sản xuất, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp vi phạm. Việc tăng cường kiểm tra, hậu kiểm tra liên ngành đã góp phần khẳng định sự nghiêm túc trong công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm chè, giúp nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế.

Hơn nữa, cơ chế ưu tiên thu hút đầu tư cho các nhà máy chế biến hiện đại cũng là một đòn bẩy quan trọng. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang được khuyến khích đầu tư vào hạ tầng chế biến chè với công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đây không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân địa phương.

Song song với việc đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng, các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được chú trọng. Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đã cùng doanh nghiệp thực hiện các dự án nghiên cứu nhằm xác định, phân tích thành phần các chất có lợi trong chè, từ đó tạo ra những sản phẩm chè mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Các kết quả nghiên cứu được công khai rộng rãi, góp phần nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về công dụng của chè, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên ra thị trường quốc tế.

2

Tập huấn về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh chè tại Thái Nguyên. 

Đi cùng với đó, các hoạt động tập huấn về sở hữu trí tuệ và hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất được tổ chức thường xuyên tại các địa phương như Tân Cương, Thịnh Đức, Phúc Xuân, Phúc Hà… không chỉ giúp người sản xuất nâng cao nhận thức về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống sản xuất – chế biến chè. Đây là bước chuyển mình then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường tiêu dùng hiện đại và đa dạng.

Các đại biểu tham gia hội nghị tập huấn đã được chia sẻ tổng quan về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý; ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, đo lường hàng đóng gói sẵn; áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 22000 trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; giải pháp chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè. Đặc biệt là các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”...

Thông qua việc áp dụng đồng bộ công cụ số, các doanh nghiệp chế biến chè đã tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng trong từng khâu sản xuất, từ trồng trọt đến chế biến và bảo quản. Qua đó, sản phẩm chè không chỉ giữ vững chất lượng an toàn thực phẩm mà còn đạt được tiêu chuẩn bền vững theo định hướng chuyển đổi số hiện đại.

Thành công của ngành chè Thái Nguyên không chỉ dựa vào những cải tiến công nghệ và chuyển đổi số mà còn là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận: từ người sản xuất, cơ quan quản lý đến các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Sự phối hợp này đã tạo nên một hệ thống sản xuất toàn diện, giúp ngành chè Thái Nguyên không ngừng khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và trở thành niềm tự hào của người dân tỉnh.

Qua đó, có thể thấy, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội mới, giúp ngành chè Thái Nguyên vươn ra thị trường quốc tế khó tính. Sự đầu tư bài bản về công nghệ và sở hữu trí tuệ không những nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, góp phần đưa giá trị sản phẩm chè đạt mục tiêu tổng giá trị 25 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số nâng tầm cây chè Thái Nguyên

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số nâng tầm cây chè Thái Nguyên

sự kiện🞄Thứ tư, 16/04/2025, 15:25

(CL&CS) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành chè Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn quốc tế, đo lường và kiểm soát chất lượng, cùng quá trình chuyển đổi số.

Thí sinh bắt đầu thử đăng ký trực tuyến dự thi tốt nghiệp 2025

Thí sinh bắt đầu thử đăng ký trực tuyến dự thi tốt nghiệp 2025

sự kiện🞄Thứ ba, 15/04/2025, 22:15

(CL&CS)- Từ ngày 15/4 đến 18/4 thí sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì sao VinFast VF 5 trở thành ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 3?

Vì sao VinFast VF 5 trở thành ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 3?

sự kiện🞄Thứ ba, 15/04/2025, 22:13

(CL&CS) - Sở hữu xe chỉ từ 105 triệu đồng, không tốn tiền xăng, bảo dưỡng rẻ như xe máy nhưng trang bị ngon hơn cả xe xăng phân khúc cao hơn, VinFast VF 5 đang trở thành lựa chọn số 1 của đông đảo người dùng Việt, từ thành thị tới nông thôn.