Thứ ba, 18/02/2025, 08:50 AM

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất trồng hoa

(CL&CS) - Việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong trồng hoa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ cho mặt hàng hoa.

Nâng tầm sản xuất hoa qua ứng dụng công nghệ cao

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, ngày càng bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong trồng hoa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ cho mặt hàng hoa trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng, Hà Nội) Bùi Hường Bích, hợp tác xã đã đầu tư mạnh vào các công nghệ tiên tiến như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động và điều chỉnh ngoại cảnh để sản xuất hoa lan. Việc trồng hoa lan trong nhà kính không chỉ tạo ra môi trường ổn định, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hay khí hậu mà còn cho phép chủ động sắp xếp kế hoạch sản xuất, khắc phục tính thời vụ và cung cấp hoa quanh năm.

Nhờ áp dụng công nghệ cao, hợp tác xã trung bình sản xuất được khoảng 250.000 cây hoa mỗi năm, đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, họ đã xây dựng được thương hiệu “Flora Việt Nam” – đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.

2

Ứng dụng công nghệ trong trồng hoa cho phép người dân chủ động sắp xếp kế hoạch sản xuất, khắc phục tính thời vụ. Ảnh minh họa

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng - chủ trang trại Mê Linh F-Farm (huyện Mê Linh) đã chuyển đổi vùng đất trũng, vốn cấy lúa kém hiệu quả, thành mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao. Tại đây, hệ thống chăm sóc hoa lan được xây dựng khép kín: các công đoạn từ tưới nước, nhân giống đến tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao. Điều này giúp kiểm soát tối ưu các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng và nguồn nước, đảm bảo sự phát triển đồng đều của hơn 50.000 gốc hoa. Kết quả là, hoa lan hồ điệp mang thương hiệu Mê Linh F-Farm không chỉ bền đẹp, cánh dày mà còn có thời gian sử dụng lâu, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, thủ đô hiện đã hình thành 47 vùng sản xuất hoa với tổng diện tích hơn 1.800 ha, quy mô 10–20 ha/vùng tại các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Ngoài ra, Hà Nội còn có 61 cơ sở trồng hoa ứng dụng công nghệ cao (toàn phần hoặc một phần), với tổng diện tích 122 ha, trong đó hơn 77 ha được trồng trong nhà kính. Nhiều mô hình áp dụng quy trình chăm bón, tưới tiêu tự động, điều tiết ánh sáng và nhiệt độ đã giúp giá trị sản xuất bình quân đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí có mô hình đạt tới 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Việc ứng dụng công nghệ cao cho phép người nông dân chủ động kiểm soát quy trình trồng và chăm sóc, hạn chế tác động của yếu tố thời tiết bất lợi, đồng thời xây dựng lịch vụ trồng thu hoạch phù hợp với dịp lễ, Tết để bán được giá.

Không chỉ tại Hà Nội, mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao còn được triển khai thành công ở nhiều địa phương khác. Tại Đà Nẵng, anh Thái Văn Công (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa treo mini. Từ năm 2012, với khoản đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, anh đã cải tạo mặt bằng, đầu tư màng phủ chống cỏ dại, hệ thống mái che và tưới nước tự động. Nhờ đó, vườn hoa của anh không chỉ đạt năng suất cao mà còn giảm chi phí nhân công, hạn chế sâu bệnh và thích ứng linh hoạt với khí hậu miền Trung khắc nghiệt.

Hay tại Thanh Hóa, nghề trồng hoa cũng có bước phát triển mạnh mẽ nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật. Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao mía đường Lam Sơn là một trong những doanh nghiệp tiên phong, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại từ nhập giống, chăm sóc đến thu hoạch. Trong khu nhà màng trồng hoa lan hồ điệp, hệ thống tự động vận hành với quạt thông gió, thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng đã giúp xuất bán từ 4,5 đến 5 vạn cây hoa lan mỗi năm. Ngoài ra, từ đầu năm 2024, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Nông nghiệp Công nghệ cao Thiên Trường 36 cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để áp dụng công nghệ tiên tiến của Israel vào trồng hoa lan hồ điệp, qua đó tạo ra sản phẩm với chất lượng vượt trội và năng suất cao.

Còn tại Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt người trồng hoa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gắn liền với tưới tiết kiệm nước, công nghệ sinh học trong sản xuất giống, công nghệ điều khiển sinh trưởng, điều khiển ra hoa, công nghệ bảo quản lạnh. Việc giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến internet vạn vật (IoT) trong sản xuất hoa cũng đã được các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng phổ biến.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, địa phương đang có trên 40 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa các loại, trong đó có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nơi đây cũng đang có 43 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, tạo nguồn giống sạch bệnh để gieo ươm cung cấp thị trường hàng năm khoảng 11 tỷ cây giống. Không chỉ tiêu thụ trong nước, hoa Đà Lạt đã hiện diện ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia...

Triển vọng phát triển của mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa không chỉ giúp người nông dân chủ động quản lý quy trình trồng và chăm sóc mà còn giảm thiểu rủi ro do thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng lịch vụ trồng thu hoạch phù hợp với các dịp lễ, Tết. Sản phẩm hoa đạt tỷ lệ sống cao, nở đồng đều, thu hoạch đồng loạt, từ đó mở ra cơ hội gieo trồng vụ hoa mới và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình trồng hoa công nghệ cao, các địa phương cần có sự hỗ trợ về kinh phí, cơ sở hạ tầng và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ giữa nông hộ, doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu nhằm dự báo nhu cầu thị trường và định hướng sản xuất chính xác. Các quận, huyện, thị xã nên tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế toàn cầu, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng hoa chính là chìa khóa giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Với tầm nhìn phát triển bền vững, ngành trồng hoa hiện đại sẽ không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần cải thiện môi trường và nâng cao đời sống cho người nông dân.

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất trồng hoa

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất trồng hoa

sự kiện🞄Thứ ba, 18/02/2025, 08:50

(CL&CS) - Việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong trồng hoa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ cho mặt hàng hoa.

Cuộc thi “Gửi tương lai Xanh 2050” mùa đầu tiên tìm ra các chủ nhân giải thưởng

Cuộc thi “Gửi tương lai Xanh 2050” mùa đầu tiên tìm ra các chủ nhân giải thưởng

sự kiện🞄Thứ ba, 18/02/2025, 08:49

(CL&CS) - Cuối tuần qua, Lễ trao giải mùa đầu tiên của cuộc thi Gửi tương lai Xanh 2050 đã vinh danh 216 cá nhân và 20 tập thể xuất sắc nhất, với các sáng kiến ấn tượng về môi trường và phát triển bền vững. Cuộc thi là nền tảng góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sống xanh trong cộng đồng học sinh Việt Nam.

Thầy Hiệu trưởng trải lòng về “thư ngỏ” giữa “tâm bão” dạy thêm học thêm

Thầy Hiệu trưởng trải lòng về “thư ngỏ” giữa “tâm bão” dạy thêm học thêm

sự kiện🞄Thứ ba, 18/02/2025, 08:48

(CL&CS) - Lường trước việc bày tỏ ủng hộ Thông tư 29 có thể nhận ý kiến trái chiều, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý vẫn quyết định nói ra những lời tâm huyết, vì học sinh và vì chính thầy cô.