Chủ nhật, 13/12/2020, 16:47 PM

UKVFTA: Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Anh

(CL&CS) - Theo Bộ Công thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.

Ngày 11/12, lễ ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh (UK) Elizabeth Truss, với tuyên bố chung cấp bộ trưởng của hai nước, được công bố.

Tuyên bố chung khẳng định, Anh và Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh tiếp tục được kéo dài thêm 10 năm với các ưu tiên chính, bao gồm phát triển nền kinh tế các-bon thấp, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy các quyền con người và thương mại.

Dư địa tăng trưởng hàng hoá Việt Nam trên thị trường Vương quốc Anh còn rất lớn vì hiện nay hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Tuy nhiên, khi Anh rời châu Âu (EU), các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tích cực ở EVFTA.

unnamed (2)

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh

Về thúc đẩy xuất khẩu, đối với ngành dệt may, EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Do đó, những lợi ích này cũng sẽ nhìn thấy được từ thị trường Anh thông qua Hiệp định UKVFTA. Hiện tại, xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường Anh. Do đó ngành này vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch.

Với mặt hàng giày dép, Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh. Tại Anh, thị trường giày dép rất đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều loại vật liệu (dệt, nhựa, cao su và da) và các sản phẩm từ giày dép nam, nữ và trẻ em khác nhau đến các loại sản phẩm chuyên dụng như giày trượt tuyết và giày bảo hộ. Năm 2019, Việt Nam vẫn chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6,7 %.

Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Trong khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%. Với Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với mặt hàng gạo, với những cơ hội mang lại từ Hiệp định này, gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ có mức thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%).

Mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn cũng như thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh đối với các loại sản phẩm hoa quả nhiệt đới, trong thời gian tới, sản phẩm rau, củ, quả của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Anh thuận lợi hơn.

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh. Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam – Anh. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.

Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Anh, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh.

Hiệp định song phương này do đó thể hiện sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. Bên cạnh đó, Hiệp định này không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Vân Thư

Bình luận

Nổi bật

Bộ Công an: Đề xuất thêm nhiều loại giấy tờ có thể dùng để đăng ký thường trú

Bộ Công an: Đề xuất thêm nhiều loại giấy tờ có thể dùng để đăng ký thường trú

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:04

(CL&CS) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, Bộ Công an đề xuất bổ sung hàng loạt giấy tờ dùng khi đăng ký thường trú, trong đó có hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Bộ Công an đề xuất bổ sung nhiều giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân

Bộ Công an đề xuất bổ sung nhiều giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Cư trú nêu rõ, sắp tới, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân còn có thêm thẻ căn cước, thẻ căn cước điện tử, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Cảnh báo mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu cập nhật VssID

Cảnh báo mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu cập nhật VssID

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:24

(CL&CS) - Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa phát đi cảnh báo người dân về việc kẻ gian mạo danh cơ quan bảo hiểm yêu cầu người lao động cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID (bảo hiểm xã hội số).