Thứ tư, 11/08/2021, 09:32 AM

TP.HCM: Cần sớm có quy hoạch để kiểm soát việc khai thác không gian ngầm

(CL&CS) - TP.HCM cần sớm có quy hoạch cụ thể để kiểm soát việc khai thác không gian ngầm nhằm tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.

Nhiều năm trước, bài toán phát triển không gian ngầm đã được TP.HCM đặt ra nhưng hầu hết đều thất bại. Khi thành phố chủ trương xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều chuyên gia đô thị đã đề xuất khai thác không gian ngầm bên dưới vừa làm trung tâm thương mại, vừa làm chỗ đậu xe, nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng này đành phải gác lại.

Tương tự, 15 năm qua, TP.HCM từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Q.1 nhưng đến nay vẫn chưa có một dự án nào được xây dựng. Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị TP.HCM hủy bỏ.

Một phần không giian ngầm tại nhà ga Nhà hát TP.HCM của tuyến metro số 1

Một phần không giian ngầm tại nhà ga Nhà hát TP.HCM của tuyến metro số 1

Theo thống kê, hiện toàn TP.HCM có khoảng 11ha diện tích tầng hầm, chủ yếu là không gian ngầm của các trung tâm thương mại và chỗ để xe. Dự kiến 8 tuyến metro nối các trung tâm chính của TP.HCM có tổng cộng 72 nhà ga ngầm. Hiện 3 nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 là ga trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son đang được xây dựng.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, việc khai thác không gian ngầm đã được thành phố nghiên cứu hơn 10 năm trước và hiện nay một số nơi đã đi vào lập quy hoạch xây dựng. Sở QH-KT khẳng định, nhu cầu khai thác không gian ngầm vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và có ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước… Do đó, cần nghiên cứu thật kỹ nội dung quy hoạch để có những dự báo và định hướng phát triển tốt. Vấn đề quy hoạch và sử dụng không gian xây dựng ngầm ở thành phố phải đảm bảo sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, đảm bảo kết nối tương thích và đồng bộ giữa không gian ngầm với công trình hiện hữu trên mặt đất, đảm bảo yêu cầu về môi trường, nguồn nước ngầm và an ninh, quốc phòng.

Hiện kế hoạch khai thác không gian ngầm với các khu đô thị, thương mại dưới lòng đất đang được TP.HCM đẩy nhanh khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang tăng tốc hoàn thiện để đưa vào hoạt động.

Trong lộ trình khai thác không gian ngầm liên quan đến tuyến Metro số 1, tháng 4/2020, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành".

Yêu cầu cho việc thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành là phải đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành phải kết nối hài hòa với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận.

Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được thành phố dự kiến xây dựng có diện tích khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500 m2.

Trung tâm thương mại ngầm sẽ được triển khai xây dựng đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến Metro số 1 nhằm giảm thiểu việc phải đào đường thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến Metro số 1 khi tuyến này đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đang lên ý tưởng và kêu gọi các chuyên gia góp ý kiến về việc xây dựng không gian ngầm tại trung tâm thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khi không gian ngầm được khai thác hiệu quả sẽ góp phần giảm mật độ khai thác trên mặt đất, thu hút người dân tham gia các phương tiện công cộng mà cụ thể là metro. Đồng thời, tạo thêm nguồn lực mới về kinh tế và giảm chi phí đầu tư.

Thế nhưng, theo Văn phòng Đăng ký Đất đai TP.HCM, Luật Đất đai hiện nay chỉ nêu rõ không gian mặt đất, không gian trên cao, chưa nói rõ về quyền làm chủ không gian dưới lòng đất. Lâu nay việc xây dựng tầng hầm dựa vào chỉ tiêu quy hoạch và khả năng tài chính của chủ sở hữu, người dân có quyền xin và khai thác không gian dưới lòng đất nằm trên khu vực đang sở hữu. Do vậy, nếu chưa có quy định cụ thể về chủ sở hữu dưới lòng đất thì ngầm hiểu phần diện tích đó thuộc quản lý của nhà nước. Vì vậy, TP.HCM cần sớm có quy hoạch cụ thể để kiểm soát việc khai thác không gian ngầm nhằm tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch. Bên cạnh đó, yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro. Vì thế, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý, tuy nhiên, cái khó nhất là dữ liệu về hiện trạng không gian ngầm của TP.HCM hiện đang nằm rải rác tại nhiều cơ quan và chưa có nơi tập trung, tích hợp và cập nhật

Cũng theo KTS Võ Kim Cương, hiện dưới lòng đất của TP.HCM ngổn ngang "mạng nhện" các công trình ngầm của các đơn vị (điện, nước, viễn thông...) quản lý độc lập. Vì thế, nếu không có hệ thống dữ liệu ngầm tổng hợp, cập nhật mới thường xuyên sẽ rất khó để các đơn vị tiếp cận không gian ngầm của TP.HCM hiện nay. Không khảo sát được hiện trạng, không biết trong lòng đất hiện nay có gì thì khó có thể quy hoạch để định hướng cho việc xây dựng trong tương lai.

An Nam

Bình luận

Nổi bật

Tập đoàn Tan Chong chính thức phân phối thương hiệu GAC

Tập đoàn Tan Chong chính thức phân phối thương hiệu GAC

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:07

(CL&CS) - Các dòng xe máy xăng và phụ tùng của thương hiệu GAC sẽ được Tập đoàn Tan Chong chính thức nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam trong năm 2024.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hỗ trợ đào tạo kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hỗ trợ đào tạo kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:05

(CL&CS) - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị khoa học công nghệ và triển khai các dịch vụ xã hội như: chẩn đoán xét nghiệm, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, xử lý môi trường…

Hà Nội: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi tuyển sinh và tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh

Hà Nội: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi tuyển sinh và tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:04

(CL&CS) - Vừa qua, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP - Trưởng 2 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp