Thứ hai, 29/04/2024, 20:45 PM

Tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm tái chế

(CL&CS) - Cùng với những bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, ngành nhựa Việt Nam đã có những bước tiến liên tục để theo kịp và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chuyển đổi sản xuất xanh.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy nhựa tái chế Duy Tân. Ảnh: DN cung cấp

Hoạt động sản xuất tại nhà máy nhựa tái chế Duy Tân. Ảnh: DN cung cấp

Sẵn sàng cho giai đoạn mới

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Tuy nhiên, sau cam kết “Net-Zero” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP-26) và các hiệp định thương mại thế hệ mới, đến nay chủ đề phát triển bền vững càng được doanh nghiệp, cũng như cộng đồng xã hội quan tâm.

Theo Đề án “Sản xuất hạt nhựa và sản phẩm nhựa tái chế”, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành nhựa tái chế, TPHCM đã hỗ trợ triển khai Dự án Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân tại Lô D2 - Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm 2024, Thành phố sẽ thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp Phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm và nghiên cứu sản xuất thử sản phẩm ngành cao su, nhựa kỹ thuật thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố. Bên cạnh đó, TPHCM tập trung phát triển hệ sinh thái và công nghệ thu gom, tái chế rác thải cao su - nhựa theo hướng tái chế, tái sử dụng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh và bền vững, góp phần xây dựng thành phố xanh.

Hòa chung dòng chảy ấy, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm sử dụng nhựa tái chế, hay nói cách khác là được tái sinh vòng đời trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... là những tín hiệu đáng khích lệ về xử lý rác thải nhựa nói riêng và chuyển đổi sản xuất xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Mặt khác, trên cơ sở tăng cường hợp tác đầu tư, liên doanh, đồng thời trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của một số nhãn hàng toàn cầu đã giúp nhiều doanh nghiệp nhựa và những ngành liên quan thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, DKSH Việt Nam (DN hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, hóa chất đặc biệt và công nghệ kỹ thuật-PV) đã mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Elementis - công ty hóa chất chuyên dụng toàn cầu để phân phối sản phẩm và phát triển thị trường tại Việt Nam, cũng như trong khu vực. Hợp tác giữa DKSH và Elementis còn hướng đến tăng cường sản xuất và những nỗ lực phát triển bền vững tại Việt Nam, tiếp nối thành công trong quan hệ hợp tác tại Trung Quốc của Elementis.

Tái chế thúc đẩy xuất khẩu

Theo các chuyên gia, việc đầu tư sản xuất hạt nhựa và sản phẩm nhựa tái chế nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa ngành nhựa, hướng đến kinh tế tuần hoàn, thậm chí là “giấy thông hành” cho sản phẩm xuất khẩu đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Theo ghi nhận thực tế, hiện nay, mỗi ngày có 180 tấn nhựa từ 2.000 điểm ve chai khu vực phía Nam được thu gom về nhà máy của doanh nghiệp nhựa tái chế Duy Tân (Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, Long An). Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, 180 tấn chai nhựa đã qua sử dụng sau khi được thu gom sẽ được đưa vào các nhà máy để tạo ra những hạt nhựa và sau đó sản xuất ra những chai nhựa tái chế. Tất cả quá trình này tạo thành vòng tuần hoàn và đưa dòng chảy nhựa tái chế đi vào cuộc sống hàng ngày.

Với công suất 60.000 tấn/năm, tương đương với hơn 4 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm, khi vận hành tối đa công suất có thể đạt tới 100.000 tấn, tương đương 7 tỷ chai nhựa, trong năm 2023, Duy Tân đã thu gom và tái chế được 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỷ chai nhựa. Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu với sản lượng xuất khẩu là 60%.

Dù có nhiều tiềm năng, song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa, theo các chuyên gia, Việt Nam cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý và truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích người tiêu dùng đón nhận sản phẩm bao bì nhựa tái chế.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi quy định tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) có hiệu lực thi hành bởi doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Song hiện nay ngành tái chế của Việt Nam còn non trẻ, chúng ta không có nhiều nhà tái chế lớn có công nghệ hiện đại. Hoạt động tái chế hiện nay chủ yếu được thực hiện ở các làng nghề, rất ô nhiễm và có thể nói là vi phạm pháp luật môi trường.

Các nhà tái chế có công nghệ tái chế hiệu quả và tuân thủ pháp luật môi trường mới có cơ hội tiếp nhận nguồn tài chính từ EPR. Còn đối với những nhà tái chế gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì sẽ không có cơ hội này, ông Hùng cho biết thêm.

Về phía doanh nghiệp, ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế cho rằng ngành tái chế Việt Nam còn yếu, khả năng sinh lời thấp, đặc biệt khi phải đầu tư lớn hiện tại để thay đổi công nghệ, bộ máy. Do đó cần có biện pháp mạnh tay với các cơ sở không đạt chuẩn cũng như khuyến khích, hỗ trợ cơ sở tái chế chuyển đổi tạo công bằng cho thị trường.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Vùng duy nhất ở Việt Nam không giáp biển: Có nơi cao đến 1.000m, sắp có sân bay quốc tế đầu tiên

Vùng duy nhất ở Việt Nam không giáp biển: Có nơi cao đến 1.000m, sắp có sân bay quốc tế đầu tiên

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 13:07

Nơi đây có 21 điểm vàng với trữ lượng khoảng 8,82 tấn.

Giải mã bí ẩn về khoảng cách 60km giữa các đô thị miền Tây Việt Nam

Giải mã bí ẩn về khoảng cách 60km giữa các đô thị miền Tây Việt Nam

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 13:00

Một trong những điểm đáng chú ý ở các đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đó là chúng luôn nằm cách nhau 60km. Vậy tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ này?

Luật Đất đai 2024 được áp dụng, nhiều gia đình đối diện bị cưỡng chế thu hồi đất bởi 4 hành vi này

Luật Đất đai 2024 được áp dụng, nhiều gia đình đối diện bị cưỡng chế thu hồi đất bởi 4 hành vi này

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 13:00

Luật Đất đai 2024 quy định rõ về những trường hợp và điều kiện đủ, trình tự, thủ tục để thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất với một số đối tượng.