Tìm cách để các chính sách hỗ trợ “thấm” đến các doanh nghiệp

(CL&CS) - Ông Đậu Anh Tuấn - đại diện của VCCI cho rằng, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ miễn, giảm thuế

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại và lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, đặt ra nhiều thách thức cho việc tồn tại, cũng như khôi phục trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thêm “sức đề kháng” cũng như nguồn lực để khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số đó, đáng chú ý là các chính sách về giãn, hoãn tiền thuế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, và mới đây nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành gói miễn, giảm thuế cụ thể lên tới 21.300 tỷ đồng.

Chia sẻ về gói miễn, giảm thuế này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục thuế, gói hỗ trợ này mang tính chất miễn giảm trực tiếp số thuế phải nộp trong khi các gói hỗ trợ trước chỉ là gia hạn thời hạn nộp thuế và mang tính chất là Nhà nước cho vay và không phải nộp lãi. Nhiều sắc thuế được hỗ trợ như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền chậm nộp.

Theo bà Hà, năm 2021, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nặng nền đến nền kinh tế, xã hội, cũng như hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ mới, giảm khoảng 30 loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, duy trì giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu (nông sản, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, xe máy…). Nghị định 52/2021/NQ-CP đã tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… và tiền thuê đất, triển khai từ tháng 4 đến nay, ước tính đã thực hiện tới thời điểm 30/9/2021 khoảng 78.000 tỷ đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong năm 2021, những chính sách về miễn giảm thuế, tiền thuê đó tiếp tục được thực hiện và được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng cao cho các doanh nghiệp phục hồi. Các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng.

340b3d21-39fd-4b79-a636-2a7f149350b6

Hiện các doanh  nghiệp đang rất kỳ vọng gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng giảm thuế trực tiếp sẽ nhanh được triển khai (Ảnh: minh họa)

Hệ thống ngân hàng cũng đã nỗ lực thực hiện các chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất vay…

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Hệ thống ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19.  Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ nhanh và kịp thời

Theo ông Đậu Anh Tuấn, mức độ phản ứng chính sách của Chính phủ là nhanh, kịp thời. Các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, đã có tác dụng góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về tài chính rất có ý nghĩa, đánh giá cao chính sách hỗ trợ về thuế (giãn, giảm, miễn thuế). Hiện các doanh  nghiệp đang rất kỳ vọng, gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng giảm thuế trực tiếp sẽ nhanh được triển khai. Gói hỗ trợ về tín dụng cũng có tác dụng nhiều cho doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính, về trả nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn…

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Ông Tuấn lý giải thêm: Chính sách hỗ trợ mới chủ yếu ở mức độ giãn, giảm (giảm thu), doanh nghiệp vẫn phải nộp các khoản này, chưa thực hiện ở cấp độ tăng chi để hỗ trợ. Giảm thu, chỉ có tác dụng với doanh  nghiệp vẫn có nguồn thu, còn các doanh nghiệp đã mất nguồn thu, thì không có tác dụng, nên phạm vi doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách chưa nhiều. Thời hạn hỗ trợ cũng còn ngắn, nên tác dụng của chính sách chưa cao.

Theo ông Tuấn, có nhiều  dự báo cho rằng phải đến giữa năm 2022, các doanh nghiệp mới phần nào khôi phục được. Do đó, bên cạnh việc kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ như gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất…, cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Gánh nặng tài chính vẫn treo lơ lửng, nên doanh nghiệp mong mỏi cần chính sách hỗ trợ bằng tiền tươi thóc thật.

Ông Tuấn cũng đề xuất giải pháp không tốn nhiều nguồn lực mà doanh nghiệp đều được thụ hưởng, đó là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn của các quy định pháp luật còn gây phiên hà, chồng lấn. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nên nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết: Khi khảo sát doanh nghiệp về tác động của các chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong khó khăn, dù nhận được khoản hỗ trợ nào của Chính phủ thì cũng đều rất quý giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, khâu thực thi vẫn có nhiều vấn đề.

Theo bà Thủy, đưa ra chính sách hỗ trợ là một chuyện, nhưng để cho người dân và doanh nghiệp hiểu được chính sách, tiếp cận và thụ hưởng được chính sách như thế nào, thì khâu thực thi vẫn cần phải xem xét, nghiên cứu để cải thiện. Cùng với đó, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phải nhanh, kịp thời, thuận lợi, ít phụ thuộc vào bộ máy hành chính. Chính sách hỗ trợ phải giúp doanh nghiệp và người dân có thể chủ động tiếp cận được, thì hiệu quả của nó mới phát huy tác dụng cao...

 

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Tập đoàn Bamboo Capital nằm trong top doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2024

Tập đoàn Bamboo Capital nằm trong top doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 09:33

(CL&CS) - Tập đoàn Bamboo Capital vừa được vinh danh với hai hạng mục quan trọng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2024, bao gồm: Báo cáo thường niên tốt nhất và Tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên tốt nhất.

Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - PV GAS TRADING tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh tăng trưởng toàn diện và các kỷ lục đột phá trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang trải qua nhiều biến động phức tạp.

VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng

VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 15:29

(CL&CS) - Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng xanh VinEG (“VinFast Energy”), Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam (“Schneider Electric”) và Công ty TNHH Năng lượng Môi trường Biển Đông (“ESEC”) đã ký kết thoả thuận hợp tác phát triển giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến, qua đó thúc đẩy lĩnh vực quản lý năng lượng tại Việt Nam.