Thứ năm, 16/09/2021, 08:39 AM

Tiêu chuẩn cho bao bì hàng hóa sạch COVID-19 - nên quy định hay không

(CL&CS)- Từ hiện tượng Trung Quốc đã từng áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm bao bì của nông sản nhập khẩu “sạch” với virus SARS-CoV-2, vấn đề đặt ra là có nên quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cho bao bì hàng hóa sạch hay không?

Ngày 16/9/2021 vừa qua, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này vừa nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, ngày 30/7/2021 Bộ Công thương cũng đã thông báo việc chính quyền Vân Nam, Trung Quốc cũng tạm dừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam qua các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo do nguyên nhân được cho là đã phát hiện phương tiện vận chuyển và các thùng đựng quả thanh long nhập khẩu từ Việt Nam dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trước đó, Trung Quốc đã từng ban hành các quy định kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên các sản phẩm và người, phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sang nước này tại các cửa khẩu khác ở Lạng Sơn.

Theo đuổi chính sách zero COVID, Trung Quốc đã đưa ra các quy định chặt chẽ việc kiểm soát virus corona.    

Trước đây, phía Trung Quốc kiểm tra, khử khuẩn theo từng lô hàng, nhưng từ khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, phía Trung Quốc kiểm tra, khử khuẩn từng thùng, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hóa.

Trước các hiện tượng này, các chuyên gia ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã lưu ý các doanh nghiệp và nông dân kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có virus COVID-19. Những lưu ý trên cũng được các chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Một vấn đề được đặt ra, có nên đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn cho bao bì sạch COVID-19, sạch virus hay không?

Hiện nay trong hệ thống quy định, tiêu chuẩn về bao bì Việt Nam đã có khá đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn với 7 danh mục là:1.Tiêu chuẩn chung; 2. An toàn thực phẩm; 3. Mực in; 4. Nguyên vật liệu; 5. Hệ thống quản lý chất lượng; 6. Môi trường; 7. Thông tin khác

Trong mỗi danh mục là những quy định, tiêu chuẩn cụ thể. Đơn cử như trong danh mục An toàn thực phẩm có 13 quy định,  tiêu chuẩn, trong đó có thể kể ra: như  TT 34/20118TT-BYT  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh đới với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, TCVN 5503 : 1998 CAC/RCP 1 – 1969 REV 3 ( 1997 ) Quy phạm thực hành những nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm…

tac-dung-cua-thanh-long-3

“Nhưng các quy định, tiêu chuẩn hiện có chưa đề cập về yêu cầu về sạch virus COVID-19”, theo ông Nguyễn Anh Dương – một chuyên gia về hội nhập kinh tế quốc tế, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.

Ông Dương cũng lưu ý tới đây, những quy định mới ở Lệnh 248 Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ khiến xuất khẩu nông sản và thực phẩm vào Trung Quốc gặp thêm khó khăn.

Với vấn đề có cần ban hành những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về bao bì sạch dịch bệnh, sạch virus, sạch COVID-19 đối với sản phẩm xuất khẩu hay không, ông Dương cho rằng Nhà nước (nếu muốn) thì phải mất thời gian mới có thể ban hành được các quy định này, do cần phải có nghiên cứu, tham vấn.

Hơn nữa, đã đưa ra tiêu chuẩn là Việt Nam phải hướng tới áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. Nhưng thực tế hiện nay ít thị trường xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu này. Và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng xuất khẩu vào Trung Quốc.

“Nhưng có thể tới đây sẽ có thêm những quốc gia cũng áp dụng những yêu cầu và kiểm soát chặt chẽ với bao bì như Trung Quốc đang làm. Vì vậy lý tưởng nhất là mỗi doanh nghiệp nâng cao ý thức, chủ động tự xây dựng quy trình, yêu cầu tổ chức sản xuất, đóng gói, vận chuyển, v.v. để bảo đảm bao bì hàng hóa xuất khẩu sạch COVID-19”, ông Dương nói. 

Trong quy trình ấy, yêu cầu “sạch COVID-19” cần được cụ thể hóa và áp dụng xuyên suốt từ khâu thu hoạch, chế biến - sản xuất đến đóng gói, đến vận tải, giao nhận hàng hóa..

Khi doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các quy trình, biện pháp bảo đảm sản xuất an toàn, sản phẩm chất lượng và an toàn đến tiêu chuẩn bao bì sạch COVID-19 thì doanh nghiệp đã sẵn sàng đáp ứng.

“So với trường hợp Nhà nước đưa ra quy định “cứng”, thì việc doanh nghiệp hãy tự chủ động xây dựng quy trình, bảo đảm bao bì sạch COVID-19 sẽ có hiệu quả cao hơn nhiều. Hiệu quả ấy có thể phát huy ngay cả khi nhiều thị trường nhập khẩu khác chưa đòi hỏi tiêu chuẩn này”, ông Dương nói.

Thị trường sẽ ngày càng khó tính hơn, ông Dương nói và cũng nhắc nhở “đừng cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính. Họ đang yêu cầu cao hơn. Và có thể sẽ còn yêu cầu cao hơn nữa. Sau Trung Quốc có thể lúc nào đó sẽ có những thị trường khác sẽ đưa ra những yêu cầu, những tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn với bao bì hàng hóa”.

Cũng theo ông Dương, bên cạnh các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, hàng hóa, và hệ thống quản lý chất lượng, không loại trừ khả năng các thị trường nhập khẩu có thể nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn khác nữa liên quan đến quy trình tổ chức sản xuất, có tổ chức chứng nhận trong quá trình sản xuất có bảo đảm yêu cầu phòng tránh COVID-19, bảo đảm tiêm văc-xin cho công nhân, …

Việc doanh nghiệp chủ động đáp ứng và công bố quy trình sản xuất an toàn, quy chuẩn bao bì sạch, bao bì an toàn của chính mình cũng chính là minh chứng cho sự linh hoạt thích ứng, cạnh tranh của doanh nghiệp đối với bối cảnh COVID-19. Cách tiếp cận ấy sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với việc tuân thủ một cách bị động mỗi khi phía nhập khẩu đưa ra những yêu cầu khác.

Một khi chủ động đáp ứng, doanh nghiệp cũng có lời quảng bá tin cậy và thuyết phục cho chính sản phẩm của mình. Đây cũng là điểm cộng trong cạnh tranh.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Tri Nhân

Bình luận

Nổi bật

TCVN 5603:2023 góp phần tăng uy tín doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người dùng

TCVN 5603:2023 góp phần tăng uy tín doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người dùng

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:29

(CL&CS) - So với phiên bản cũ năm 2008, TCVN 5603:2023 đã có những thay đổi nhất định nhằm góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn của sản phẩm cung cấp ra thị trường, đồng thời tăng uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Loạt tiêu chuẩn hỗ trợ việc kiểm soát chất lượng đối với bê tông in 3D, vật liệu xi măng

Loạt tiêu chuẩn hỗ trợ việc kiểm soát chất lượng đối với bê tông in 3D, vật liệu xi măng

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:27

(CL&CS) - Ủy ban công nghệ sản xuất bồi đắp của ASTM International (F42) đang phát triển bộ tiêu chuẩn đề xuất sử dụng để đảm bảo và kiểm soát chất lượng vật liệu, thành phần sử dụng xây dựng phụ gia bằng vật liệu xi măng.

Vai trò quan trọng của Tiêu chuẩn Quốc tế trong phòng chống tham nhũng

Vai trò quan trọng của Tiêu chuẩn Quốc tế trong phòng chống tham nhũng

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:23

(CL&CS) - Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy thử thách đòi hỏi cam kết thực sự về tính minh bạch và hiệu quả. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề chính ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta, cản trở đáng kể sự phát triển, đặc biệt ở các nước nghèo nhất và thu nhập trung bình, nơi dễ bị tổn thương trước hiện tượng này. ISO và các thành viên mong muốn Tiêu chuẩn quốc tế giúp giải quyết những thách thức lớn này của thế giới.