Thứ tư, 16/07/2025, 14:00 PM

Thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống: Chuyển từ nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi

(CL&CS) - Để thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, hiện nay, thành phố Hà Nội đã chủ động chuyển hướng phát triển làng nghề theo mô hình liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, du lịch, đào tạo và đổi mới công nghệ... Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng, thương hiệu, mà còn tạo sự cạnh trạnh cho các sản phẩm làng nghề truyền thống để phát triển bền vững.

Hình thành vòng tròn liên kết tạo sức bật cho làng nghề

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, toàn Thành phố hiện có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có gần 330 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Qua đó, đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô làng nghề, làng có nghề. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

1

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt và bộ sưu tập áo dài truyền thống được trình diễn tại chương trình kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức (Ảnh: Đ.Đ)

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và yêu cầu cao từ thị trường, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu ứng dụng công nghệ số... Trước thực tế đó, Hà Nội đang chủ động chuyển hướng phát triển làng nghề theo mô hình liên kết - gắn sản xuất với tiêu thụ, du lịch, đào tạo và đổi mới công nghệ nhằm tạo đột phá về chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh bền vững.

Một trong những điểm mới về phát triển làng nghề dễ nhận thấy đó là, tại các làng nghề truyền thống, hiện nhiều thợ lành thay vì sản xuất rời rạc, họ đã bắt đầu hợp tác thành tổ nhóm, tổ hợp tác hoặc gia nhập hợp tác xã để cùng chia sẻ mặt bằng, máy móc, mẫu mã, đầu vào nguyên vật liệu và đầu ra sản phẩm.

Nghệ nhân áo dài truyền thống Nghiêm Văn Đạt, làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, Ứng Hòa (cũ), nay là xã Trầm Lộng (thành phố Hà Nội) chia sẻ, trước đây, người làng Trạch Xá đi khắp nơi lập nghiệp, khi làng nghề xây dựng được thương hiệu, nhiều người đã quay trở về địa phương xây dựng chuỗi liên kết để phát triển nghề may áo dài truyền thống.

“Năm 2011, tôi cùng một số người yêu nghề ở làng đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã may áo dài truyền thống Trạch Xá. Sau khi thành lập và liên kết với nhau, các đơn hàng được đưa về làng để gia công nhiều hơn, sau đó được hoàn thiện và chuyển tới các cửa hàng trên phố. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm về làng Trạch Xá để may áo dài, nhờ đó, nghề may ngày một phát triển hơn”, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt chia sẻ.

Tương tự như làng nghề áo dài Trạch Xá, làng nghề Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội)... cũng đang đi đầu trong việc xây dựng mô hình cụm làng nghề liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp du lịch và các trường dạy nghề. Từ đó, hình thành các “vòng tròn liên kết” giữa sản xuất - thương mại - đào tạo - bảo tồn văn hóa, tạo sức bật cho sản phẩm làng nghề.

Đặc biệt, không chỉ liên kết lại với nhau để thành lập các hợp tác xã, các doanh nghiệp… để phát triển các sản phầm làng nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân tại các làng nghề đã cùng nhau liên kết, hướng dẫn và hỗ trợ nhau phát triển, giới thiệu sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Nhờ đó, từ chỗ chỉ bán buôn cho khách lẻ, giờ nhiều sản phẩm tại các làng nghề đã đi mọi miền Tổ quốc, thậm chí vươn mình ra thị trường thế giới.

Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định liên kết là chìa khóa để phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề theo hướng đổi mới mô hình tổ chức sản xuất. Một trong những hướng đi quan trọng là hỗ trợ các làng nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu.

2

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội - Nghệ nhân Hà Thị Vinh giới thiệu các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tại chương trình kết nối giao thương do Bộ Công Thương tổ chức (Ảnh: Đ.Đ).

Cùng với đó, Thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề, bố trí không gian sản xuất tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường và an toàn lao động. Đồng thời, khuyến khích các làng nghề tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tạo điều kiện để các sản phẩm thủ công đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đủ điều kiện đưa vào siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề, từ ứng dụng công nghệ, thiết kế mẫu mã đến xúc tiến thương mại, đào tạo lao động. Việc hình thành các cụm liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu - đào tạo là một bước chuyển cần thiết để làng nghề phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Một trong những mô hình liên kết hiệu quả đang được triển khai là gắn làng nghề với phát triển du lịch trải nghiệm. Đây là hướng đi được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng lớn, vừa giúp tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Trong định hướng phát triển đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng làng nghề theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Điều này đòi hỏi các làng nghề phải chuyển đổi công nghệ sạch, xử lý môi trường bền vững và đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị khép kín.

Đề cập đến mục tiêu xây dựng làng nghề theo mô hình kinh tế xanh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội - Nghệ nhân Hà Thị Vinh cho rằng, sự liên kết giữa làng nghề - doanh nghiệp - viện nghiên cứu - đơn vị đào tạo đang được coi là “mắt xích then chốt” để hiện thực hóa mục tiêu này. Theo nghệ nhân Hà Thị Vinh, hiện nhiều làng nghề đã bắt đầu tiếp cận với các xu hướng thiết kế xanh, vật liệu tái chế, sản xuất theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ nhưng tinh xảo - thay vì sản xuất đại trà như trước…

Có thể thấy, phát triển làng nghề theo mô hình liên kết không chỉ là lời giải cho bài toán kinh tế mà còn là đòn bẩy quan trọng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Khi làng nghề phát triển bền vững, người dân có việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định, từ đó giảm áp lực di cư lên thành thị, giữ gìn không gian văn hóa truyền thống.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống: Chuyển từ nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi

Thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống: Chuyển từ nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi

sự kiện🞄Thứ tư, 16/07/2025, 14:00

(CL&CS) - Để thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, hiện nay, thành phố Hà Nội đã chủ động chuyển hướng phát triển làng nghề theo mô hình liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, du lịch, đào tạo và đổi mới công nghệ... Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng, thương hiệu, mà còn tạo sự cạnh trạnh cho các sản phẩm làng nghề truyền thống để phát triển bền vững.

Khai mạc Triển lãm quốc tế MTA Vietnam 2025 tại TP.HCM

Khai mạc Triển lãm quốc tế MTA Vietnam 2025 tại TP.HCM

sự kiện🞄Thứ năm, 03/07/2025, 09:30

(CL&CS)- Ngày 2/7, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (phường Tân Mỹ, TP.HCM), Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo (MTA Vietnam 2025) lần thứ 21, năm 2025.

Co.opmart tặng rau, củ, quả cho khách hàng mang túi môi trường mua sắm

Co.opmart tặng rau, củ, quả cho khách hàng mang túi môi trường mua sắm

sự kiện🞄Thứ hai, 30/06/2025, 07:53

(CL&CS) - Từ 30/6 đến 2/7, thành viên của Co.opmart có hóa đơn mua sắm và sử dụng túi môi trường sẽ được tặng 2 kg rau, củ, quả với hóa đơn từ 1 triệu đồng trở lên và 1 kg dành cho hóa đơn từ 500.000 đồng trở lên.