Tháo gỡ khó khăn mang tính "điểm nghẽn" của giải ngân đầu tư công

(CL&CS) - Theo báo cáo của Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch năm 2024, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân hơn 47% kế hoạch trong 10 tháng

Kết quả này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khi đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Cùng với đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung 9 tháng của cả nước (47,1% so với số giải ngân 9 tháng của cả nước là 45,27%), nhưng tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.

Tại tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" vào chiều 28/10/2024, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho hay, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương.

Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều.

Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.

Tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ” do Thời báo Tài chính và Vụ Đầu tư phối hợp tổ chức. Ảnh: ĐM

Tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ” do Thời báo Tài chính và Vụ Đầu tư phối hợp tổ chức. Ảnh: ĐM

Nhiều khó khăn chưa giải quyết dứt điểm

Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho hay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chẳng hạn, vướng mắc về cơ chế chính sách như thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa, hay thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng, vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu...

Cùng với vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

Là bộ ngành có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao, nhưng ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Giao thông vận tải) cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến mục tiêu giải ngân đầu tư công.

Đó là trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.

Ngoài ra, nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án; thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo...

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quy định về trình tự, thủ tục, quy trình xây dựng, giao, điều chỉnh kế hoạch trung hạn mất nhiều thời gian để phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch... nên chậm triển khai. "Một việc, một vấn đề nhưng phải “soi chiếu” nhiều luật, nhiều quy trình, thủ tục dẫn tới khi thực hiện còn lúng túng, tâm lý “sợ sai” vẫn còn ảnh hưởng rất lớn khi giải quyết công việc", ông Nguyễn Hoài Nam nêu rõ.

Với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, ông Dương Bá Đức cho biết, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án đầu tư công để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra như Luật Đầu tư công (sửa đổi), "1 luật sửa 4 luật" về đầu tư, "1 luật sửa 7 luật" trong lĩnh vực tài chính...

Theo ông Đức, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình sửa các Luật là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc.

"Đây được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công", Vụ trưởng Vụ Đầu tư nêu rõ.

29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ); giải ngân rất thấp như: Ủy ban dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia TPHCM (5,01%), Đại học quốc gia Hà Nội (9%), Bộ Ngoại giao (10,03%)...

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như TPHCM (19,63%), Phú Yên (24,63%), Kon Tum (27,45%), Quảng Ngãi (27,98%)...

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Phó thủ tướng: Vàng đang là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi

Phó thủ tướng: Vàng đang là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi

sự kiện🞄Thứ ba, 12/11/2024, 12:01

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, có tình trạng vàng miếng tăng 18 triệu/lượng (25% so với giá vàng thế giới), nguyên nhân là giá vàng thế giới cao, tâm lý, cầu tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro… vàng trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời lý do 'ngân hàng chỉ bán vàng, không mua lại'

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời lý do 'ngân hàng chỉ bán vàng, không mua lại'

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:46

(CL&CS) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, việc kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng khi mua vào rất phức tạp. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới diễn biến rất khó lường, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro.

Ngân hàng NCB hoàn tiền cho hóa đơn thanh toán vào ngày 10 hàng tháng

Ngân hàng NCB hoàn tiền cho hóa đơn thanh toán vào ngày 10 hàng tháng

sự kiện🞄Thứ sáu, 08/11/2024, 16:38

(CL&CS) - Chinh phục người tiêu dùng bởi sự tiện lợi và độ bảo mật cao, hình thức thanh toán hóa đơn không tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Người dân còn được hưởng lợi từ các chương trình chiết khấu, hoàn tiền khi lựa chọn thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại trên ứng dụng ngân hàng số.