Thứ tư, 05/07/2023, 14:03 PM

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chuỗi giá trị nông sản

(CL&CS) - Từ lâu, khoa học công nghệ đã trở thành một trong hai trụ đỡ trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông sản năng suất, chất lượng và có giá trị cao. Hiểu được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản. Qua đó, tạo động lực cho nông sản Thành phố phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Nâng cao chuỗi sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, sản phẩm chè sạch và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Với việc liên tiếp tham gia các chương trình kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng do Sở Công Thương Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức, đã giúp sản phẩm chè của Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Thành phố ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Theo bà Nguyễn Thị Thiết, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chúng tôi luôn duy trì quá trình sản xuất sản phẩm chè theo chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt, thu hái, sơ chế, đóng gói. Qua đó, sản phẩm được đưa ra thị trường luôn đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

3

Ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi giá trị sẽ giúp sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng, tăng giá trị kinh tế cho người trồng

“Chúng tôi thường mang các sản phẩm chè sạch và bưởi đến các chương trình kết nối giao thương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã tới người tiêu dùng và du khách đến với Ba Vì. Với sản phẩm chè, đây là sản phẩm được chúng tôi sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP và đã được Thành phố đánh giá và công nhận OCOP 3 sao từ năm 2020. Việc các sản phẩm OCOP của chúng tôi được đưa vào các Điểm giới thiệu OCOP của thành phố Hà Nội, là một trong những giải pháp giúp sản phẩm nông sản của Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài có thể đến được gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài Thành phố một cách nhanh nhất với mức giá cả hợp lý nhất”, bà Nguyễn Thị Thiết bộc bạch.

Cũng như Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cũng là một trong những là đơn vị điển hình của Hà Nội về duy trì, phát triển chuỗi giá trị. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Thị Hậu cho biết, với diện tích 37ha sản xuất rau hữu cơ, sản lượng 600kg rau/ngày, hợp tác xã có cơ sở sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm, đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định số 2085/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021 - 2025, các huyện, thị xã đã quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Cách làm này đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Theo đó, quy trình sản xuất của hợp tác xã được áp dụng theo chuỗi, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến thực hành trên đồng ruộng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân được nhiều đơn vị tiêu thụ, cùng chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể với liên kết với giá ổn định (khoảng 20.000 đồng/kg), đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Đánh giá hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều đổi mới trong phương thức sản xuất theo chuỗi. Hiện Hà Nội đã có 159 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Các chuỗi liên kết giúp nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, thu nhập cao hơn 10 - 15% so với sản xuất theo phương thức cũ; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất, mở rộng quy mô; tạo thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Hà Nội chú trọng phát triển chuỗi giá trị nông sản đã giúp cho các hợp tác xã, nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản còn một số khó khăn do nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tổn thất sau thu hoạch cao. Các chuỗi phát triển chưa đồng đều, quy hoạch vùng còn lỏng lẻo, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ cơ sở kinh doanh Thúy Mạnh Foods (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) kiến nghị, các ngành chức năng cần xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, hình thành các vùng chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Các ngân hàng cần đa dạng hóa phương thức cho vay mới, gắn với các chuỗi giá trị nông sản đang và sẽ hình thành, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn mở để rộng sản xuất, phát huy hiệu quả của chuỗi.

Để giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong quá trình phát triển chuỗi giá trị nông sản, từ những kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để các chuỗi giá trị nông sản không bị manh mún, đứt gãy, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết chuỗi, hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; ưu đãi về vốn vay, giới thiệu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị, các huyện, thị xã cần phải xác định rõ phát triển chuỗi giá trị nông sản là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp xu thế phát triển bền vững. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ nhận thức về sản xuất theo nhu cầu thị trường; xây dựng thương hiệu nông sản theo chuỗi, tổ chức các hội chợ quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Quảng Ninh: Diễn đàn đầu tư số Quốc tế tại Việt Nam năm 2024

Quảng Ninh: Diễn đàn đầu tư số Quốc tế tại Việt Nam năm 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 20/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Diễn đàn đầu tư số quốc tế tại Việt Nam năm 2024.

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025.

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024 (Data for life 2024) do Bộ Công an phát động, đã chọn được 10 đội xuất sắc vào chung kết, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tới.