Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giai đoạn 1986 - 1995
(CL&CS) - Trong Tạp chí Chất lượng và cuộc sống số 1/2020, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, đã có bài “Bác Hồ với ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng” nêu bật được công lao to lớn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác đối với hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL). Loạt bài viết về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL được giới thiệu bắt đầu từ số 3/2020, theo các thời kỳ tương ứng với các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước. Trong số 3/2020 đã có bài về sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL trong giai đoạn 1950-1975; số 4/2020 trong giai đoạn 1976 -1985. Trong số này xin giới thiệu sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL trong giai đoạn 1986-1995.
Giai đoạn 1986 đến 1995: Đổi mới và phát triển kinh tế
Trong giai đoạn từ 1986 đến 1995 diễn ra Đại hội VI (1986) và Đại hội VII (1991) của Đảng. Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội VII của Đảng tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung và phát triển các chủ trương đổi mới của Đại hội VI, đề ra các phương hướng, nhiệm vụ lớn cho 5 năm 1991-1995.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra vào tháng 12/1986, đã đề ra đường lối đổi mới, mở ra một bước ngoặt lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đổi mới về kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu với mục tiêu chuyển đổi cơ chế quản lý từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng một nền kinh tế với nhiều thành phần, mở cửa để hội nhập với kinh tế quốc tế. Yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng cơ chế quản lý kinh tế mới là phân biệt rõ chức năng của bộ máy quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh. Với tinh thần đó, quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế diễn ra mạnh mẽ, cơ chế thị trường từng bước hình thành và phát triển, tác động có tính chất quyết định của các quy luật kinh tế thị trường ngày càng rõ nét. Nhiều thành phần kinh tế mới được hình thành và phát triển, trong đó có thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân. Đối với hoạt động TCĐLCL, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI -12/1986 của Đảng đã khẳng định: “ ...Tăng cường hoạt động về tiêu chuẩn hoá, bảo đảm đo lường, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm, gắn trách nhiệm và lợi ích của người sản xuất với chất lượng sản phẩm, xây dựng kỷ luật sản xuất theo tiêu chuẩn, định mức, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hoá và thực hiện nghiêm ngặt chế độ giám định công nghệ ...”.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hàng loạt văn bản pháp quy về cơ chế quản lý mới được ban hành, trong đó có Quyết định 217-HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh. Các quy định này được áp dụng để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoá Nhà nước kể từ năm 1988. Quy định này là tiền đề quan trọng định hướng cho sự phát triển nền kinh tế theo tinh thần đổi mới mà Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra.
Những thay đổi cơ bản trong cơ chế quản lý kinh tế và yêu cầu đề ra nói trên đặt ra cho công tác quản lý TCĐLCL những yêu cầu mới vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Kế thừa hoạt động và các bài học kinh nghiệm của những năm trước, hàng loạt vấn đề về nhận thức, định hướng, các biện pháp quản lý và cả bộ máy tổ chức về TCĐLCL được xem xét, bổ sung, điều chỉnh thích hợp và kịp thời. Trong thời kỳ này có những Chương trình nghiên cứu khoa học xem xét lại toàn diện các nội dung hoạt động của tiêu chuẩn hóa, đo lường và quản lý chất lượng. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để tham mưu cho Nhà nước đưa ra các chính sách và chỉ đạo phù hợp.
Văn bản đầu tiên chuẩn bị cho sự đổi mới hoạt động TCĐLCL ở nước ta trong thời kỳ mới là Chỉ thị 222-CT ngày 06/8/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về các biện pháp cấp bách nhằm củng cố và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá. Trong khi biểu dương những tiến bộ về chất lượng và quản lý chất lượng, Chỉ thị đã phê phán hiện tượng nhiều sản phẩm tiêu dùng không đáp ứng được yêu cầu sử dụng tối thiểu và thị hiếu của nhân dân, hiện tượng nhiều sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường về tính năng sử dụng, thẩm mỹ, bao bì ..., hiện tượng lưu hành nhiều hàng giả trên thị trường. Bốn biện pháp cấp bách đã được đề ra trong Chỉ thị 222-CT.
Thứ nhất là cải tiến và đẩy mạnh hoạt động đăng ký chất lượng trong mọi thành phần kinh tế. Xác định trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sản xuất - kinh doanh và của các cơ quan quản lý TCĐLCL. Thứ hai là cải tiến và đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý các vi phạm gian dối về chất lượng sản phẩm và đo lường. Thứ ba là cải tiến hệ thống tiêu chuẩn các cấp theo yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý theo hướng: Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cấp cơ sở (TC); chuyển hướng mạnh việc xây dựng Tiêu chuẩn Việt nam (TCVN),Tiêu chuẩn ngành (TCN) cho các vấn đề KHKT chung, an toàn, bảo vệ sức khoẻ, môi trường và cho các nhóm sản phẩm; soát xét, sửa đổi ngay các tiêu chuẩn đã ban hành cả về nội dung và phạm vi hiệu lực cho phù hợp với cơ chế quản lý mới và các thành phần kinh tế khác. Thứ tư là tiến hành công tác đánh giá và công nhận các phòng kiểm nghiệm để dần dần hình thành hệ thống các phòng kiểm nghiệm quốc gia phục vụ cho việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong nước và thực hiện nghĩa vụ của nước ta trong công ước quốc tế liên quan.
Hơn 4 tháng sau, ngày 29/12/1988 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 207/HĐBT về công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng hàng xuất - nhập khẩu, trong đó quy định rõ: Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất - kinh doanh về chất lượng hàng xuất khẩu của mình; trách nhiệm của Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu trong việc chỉ định các cơ quan kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu theo ngành kinh tế - kỹ thuật; trách nhiệm của các tổ chức làm nhiệm vụ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng xuất khẩu; trách nhiệm của Tổng cục TCĐLCL trong việc thanh tra, giám sát v.v..
Trong thời kỳ này Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tổng cục TCĐLCL đã ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 222-CT và quyết định 207-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Những kết quả bước đầu của việc thực hiện hai văn bản này cùng với việc tổng kết quá trình quản lý chất lượng thời gian trước đó, tham khảo kinh nghiệm của thế giới trong lĩnh vực này đã góp phần đáng kể vào việc xác định những định hướng cho việc đẩy mạnh và mở rộng hoạt động quản lý chất lượng ở nước ta.
Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng sản xuất và lưu thông đã đạt được những thành tựu nổi bật, nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và chuyển sang một thời kỳ mới. Hoạt động TCĐLCL cũng chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển hướng phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới, đánh dấu bằng việc Hội đồng Nnhà nước đã thông qua hai Pháp lệnh quan trọng, đó là Pháp lệnh đo lường và Pháp lệnh chất lượng hàng hoá.
Ngày 06/7/1990 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Lệnh số 43 LCT/HĐNN8 công bố Pháp lệnh Đo lường và không lâu sau đó, ngày 13/4/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 115-HĐBT quy định về việc thi hành Pháp lệnh đo lường. Pháp lệnh Đo lường (1990) đã đề cập đến các vấn đề cốt lõi của quản lý nhà nước về đo lường, như khẳng định nội dung của quản lý đo lường; phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về đo lường và nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này; quy định về đơn vị đo lường hợp pháp và hệ thống chuẩn đơn vị đo lường; sản xuất, sử dụng, kiểm định và sửa chữa phương tiện đo; thanh tra nhà nước về đo lường...Đặc biệt Pháp lệnh đã khẳng định quyền tự chủ của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học...trong việc quản lý đo lường thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Như vậy, Pháp lệnh Đo lường (1990) đã xác định được đường biên hợp lý giữa những vấn đề đo lường mà Nhà nước phải quản lý bằng luật pháp và quyền tự chủ về đo lường của các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ngày 02/01/1991 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Lệnh số 49 LCT/HĐNN8 công bố Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá. Ngày 19/10/1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 327-HĐBT quy định về việc thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá. Pháp lệnh khẳng định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với chất lượng hàng hoá do mình sản xuất ra hoặc bán ra với tinh thần phát huy quyền chủ động sáng tạo của cơ sở. Pháp lệnh cũng quy định rõ những nội dung chủ yếu của quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá, xác định rõ cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá bao gồm các cơ quan cấp Nhà nước, cấp ngành và cấp cơ sở. Lần đầu tiên ở nước ta, quyền của người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá được đề cập đến trong Pháp lệnh này. Nhiều nội dung quan trọng đã được đề cập tới trong Pháp lệnh như các công tác: Ban hành và áp dụng tiêu chuẩn; chứng nhận phù hợp TCVN; đăng ký chất lượng; kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất - nhập khẩu; thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá ..Trong số đó có những hoạt động lần đầu tiên được đưa vào áp dụng tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế và tồn tại đến ngày nay, đó là hoạt động công nhận, chứng nhận phù hợp. Hoạt động chứng nhận trong Pháp lệnh này là chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, khác với chứng nhận chất lượng theo cấp chất lượng (cấp 1, cấp cao) trước đó. Đây là những phương thức quản lý mới đặt nền móng vững chắc cho hoạt động quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sau này. Những cải tiến bước đầu về quản lý chất lượng theo tinh thần của Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá trong mấy năm đầu của thập niên 90 đã mang lại những sắc thái mới tạo thêm sự đa dạng, phong phú cho bộ mặt thị trường nước ta, tạo tiền đề thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá trong những năm tiếp theo.
Để thực thi Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa cùng Nghị định 115- HĐBT quy định về việc thi hành Pháp lệnh Đo lường và Nghị định 327-HĐBT quy định về việc thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tổng cục TCĐLCL đã nghiên cứu, ban hành trên 40 văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các văn bản trên. Hoạt động TCĐLCL đã chuyển mình, đổi mới, góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp phát triển, đổi mới đất nước của Đảng.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, nước ta đã mạnh mẽ từng bước chuyển nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến nước ta. Quan hệ kinh tế giữa nước ta với các thị trường truyền thống bị đảo lộn. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận. Nước ta một lần nữa lại đứng trước khó khăn thử thách. Trong bối cảnh đó, Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000, …. Yêu cầu đổi mới hoạt động được đặt ra đối với mọi lĩnh vực. Đối với ngành khoa học và công nghệ, Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng nêu rõ: “Hoạt động khoa học và công nghệ phải bảo đảm cơ sở khoa học cho các quyết định quan trọng của các cơ quan lãnh đạo, quản lý là công cụ chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của mọi hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước”. Và “Trong những năm trước mắt, cần thực hiện một số biện pháp quan trọng sau: ...Tăng mạnh đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ từ nhiều nguồn và quản lý việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đó. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Kiện toàn hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ, có những hình thức linh hoạt gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và chính sách khoa học, công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và yêu cầu mở rộng hợp tác quốc tế...”.
Tiếp đó, Nghị quyết số 07-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khoá VII về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới, ngày 30/7/1994 nêu rõ:“ ... Quan tâm xây dựng, nâng cấp mạng lưới dịch vụ công nghệ như: đo lường, tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đánh giá và thẩm định công nghệ, thông tin công nghệ ...” . Và nhằm tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý về tiêu chuẩn hóa và quản lý chất lượng, ngày 08/12/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/CP “Phân công quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá”, trong đó đã phân công trách nhiệm cho một số bộ, ngành trong việc quản lý chất lượng hàng hoá đặc thù. Các Thông tư liên bộ giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn thi hành nghị định 86/CP lần lượt được ban hành làm cơ sở cho các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngành TCĐLCL đã có nhiều đổi mới và hướng trực tiếp vào mục tiêu là đề cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý nhà nước ở các khâu trọng yếu; tạo sự bình đẳng trong quyền lợi và nghĩa vụ của các thành phần kinh tế. Việc đổi mới hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam cũng là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này. Hệ thống tiêu chuẩn 4 cấp nay chỉ còn 3 cấp. Việc chuyển hầu hết các tiêu chuẩn Việt Nam sang hình thức tự nguyện áp dụng đánh dấu một bước ngoặt trong công tác tiêu chuẩn hoá, phù hợp với cơ chế thị trường, lấy vận động, hướng dẫn, khuyến khích bằng các hình thức và biện pháp kinh tế để các cơ sở phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn. Việc tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn cũng được cải tiến theo hướng dẫn của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn được xây dựng thông qua các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn gồm đại diện của các viện nghiên cứu, các trường đại học , các cơ sở sản xuất và các cơ quan quản lý. Từ đó, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn được triển khai một cách nhanh chóng, chất lượng tốt hơn, đảm bảo tính khách quan, tính tiên tiến và khả năng thực thi của tiêu chuẩn. Phát triển các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng đã trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm phục vụ cho việc nâng cao năng suất, chất lượng của các cơ sở sản xuất, cũng như các nhu cầu của các cơ quan quản lý chất lượng. Việc đưa hoạt động công nhận các phòng thử nghiệm vào áp dụng đã góp phần nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá, phục vụ các nhiệm vụ quản lý nhà nước như kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu, hoạt động thanh tra, kiểm tra và quản lý thị trường, xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhiều nội dung hoạt động khác cũng đã có những đổi mới tích cực.
Như vậy có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 1986-1995, hoạt động TCĐLCL đã có những đổi mới hết sức cơ bản, bước đầu tiếp cận với cơ chế quản lý kinh tế mới, góp phần giúp nền kinh tế nước ta khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái; đạt mức tăng trưởng khá cao, liên tục và tương đối toàn diện; thực hiện vượt mức hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1991 – 1995, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế nước ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới./.
TS. Vũ Văn Diện, TS. Ngô Thị Ngọc Hà, ThS. Nguyễn Văn Thoan
- ▪Tiêu chuẩn, quy chuẩn ký thuật và đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
- ▪Sản xuất thông minh: Xu hướng tăng năng suất,chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0
- ▪Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030
- ▪Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030
Bình luận
Nổi bật
TCVN 10736-28:2023 xác định phát thải mùi từ các sản phẩm xây dựng
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:22
(CL&CS) - Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà tới từ nhiều nguồn phát thải khác nhau, trong đó phải kể tới phát thải mùi từ sản phẩm xây dựng. Do đó việc xác định phát thải mùi từ các sản phẩm này theo TCVN 10736-28:2023 góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả.
Tanzania thông báo dự thảo Tiêu chuẩn đối với sản phẩm kim chi
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:21
(CL&CS) - Mới đây, Tanzania thông báo dự thảo Tiêu chuẩn đối với sản phẩm kim chi, trong đó nêu rõ các yêu cầu, phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm đối với kim chi dùng trực tiếp cho con người.
Úc: Xây dựng tiêu chuẩn dây an toàn trong xe ô tô cho người khuyết tật
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:21
(CL&CS) - Lần đầu tiên chính phủ Úc sẽ có bản tiêu chuẩn hướng dẫn chính thức về sản xuất, thử nghiệm, lắp đặt và sử dụng thiết bị dây an toàn trên ô tô dành cho người khuyết tật.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.