Thứ năm, 22/04/2021, 14:32 PM

Phục hồi kinh tế phải song hành với cải cách thể chế kinh tế

(CL&CS) - Việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế có sự song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam”.

“Tại Báo cáo này, chúng tôi đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong 3 năm tới, giai đoạn 2021-2023 dựa trên 3 kịch bản”, TS.Hồng Minh – Viện trưởng của CIEM cho biết.

3 kịch bản cho giai đoạn 2021-2023 của CIEM ứng với các giải pháp điều hành: Kịch bản với giải pháp  bình thường như hiện nay. Kịch bản với giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ. Kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế.

Ứng với các kịch bản, tăng trưởng GDP của 3 năm từ 2021-2023 ở kịch bản “bình thường” lần lượt là 5,98%; 6,45%; 6,61%. Trung bình cả giai đoạn 3 năm ở kịch bản này là 6,35%.

Ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ, GDP tăng 6,43%; 6,80% và 6,83%; trung bình cả 3 năm là 6,69%.

Ở kịch bản 3, là 6,47%; 6,88% và 6,92% với trung bình cả giai đoạn 3 năm là 6,76%.

Nguồn: Tổng cục thống kê

Nguồn: Tổng cục thống kê

Trình bày báo cáo này, ông Nguyễn Anh Dương Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, lưu ý: “Nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”.

Thông điệp được báo cáo nhấn mạnh thông điệp là “phục hồi kinh tế cần phải song hành với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam” cũng những đề xuất cụ thể về định hướng và giải pháp liên quan đến phục hồi kinh tế, về cải cách thể chế, về độ mở cho hoạt động kinh tế mới, về hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững cũng được cụ thể hóa. CIEM cũng nhấn mạnh yêu cầu các đề xuất này phải thực hiện hài hòa, thống nhất trong thời gian tới.

Theo những nội dung cơ bản của báo cáo được ông Dương trình bày cho thấy kết quả tăng trưởng kinh tế của năm 2020 và quý I 2021 đã một lần nữa khẳng định công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, v.v. tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước.

 Công tác điều hành của Chính phủ kể từ năm 2020 có những điểm tích cực đó là   điều hành chủ động, bài bản gắn với việc cập nhật tình hình dịch bệnh và đánh giá các kịch bản tăng trưởng. Đó là giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai; và (iv) không ngừng tạo dựng thêm không gian mới cho hoạt động kinh tế mới. Đó là   có được đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân… 

Về phía doanh nghiệp cũng có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới (đặc biệt gắn với nền tảng số).

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiên định với yêu cầu ổn định lạm phát. Điều hành chính sách tỷ giá tiếp tục hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, và được giải trình thường xuyên, minh bạch.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ít nhiều thể hiện sức chống chịu cao hơn trong giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh những nỗ lực thích ứng của khu vực doanh nghiệp. Độ mở thương mại của Việt Nam giữ xu hướng tăng. Hoạt động thương mại điện tử là điểm sáng trong năm 2020, với doanh số tăng 25%.

“Sức chống chịu tốt hơn của nền kinh tế còn xuất phát một phần từ việc kiên định thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh”, theo ông Dương.

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Đặt trong bối cảnh ấy, quá trình phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong thời gian tới có nhiều điều cần cân nhắc”, ông Nguyễn Anh Dương lưu ý.

Các cân nhắc ông Dương nói đến là cân nhắc về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế, về cải cách thể chế kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, về vai trò của Nhà nước và không gian kinh tế cho khu vực kinh tế tư nhân; và thời điểm tiến hành cải cách cũng được nhìn nhận thấu đáo trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Theo Viện trưởng Minh, “Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”.

 CIEM cũng đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023, đó là tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; Đó là  kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; và rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023

Viện trưởng Hồng Minh hy vọng báo cáo này sẽ đưa ra một góc nhìn, những đầu vào để Chính phủ cân nhắc, xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian tới.

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:17

(CL&CS) - Chiều tối ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng

Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:14

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả hơn nữa; chú trọng công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.