Thứ tư, 21/04/2021, 17:31 PM

Môi trường kinh doanh – tốc độ cải thiện dường như chậm lại

(CL&CS) - “Trước tôi cũng ca ngợi cải cách nọ kia nhưng nay trực tiếp đi làm thì không phải như vậy. Vừa qua tôi trực tiếp đi làm các thủ tục hành chính thì mới thấy choáng… Làm sai luật thì không được, làm đúng luật cũng không… xong”. Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI phát biểu như vậy tại hội thảo công bố báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” ngày 20/4/2021.

Cải thiện không đồng đều cải cách đang chậm lại

Báo cáo này  phản ánh, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ qua các hoạt động thực hiện nghị quyết của các cơ quan nhà nước qua góc nhìn doanh nghiệp và tác động của các  hoạt động này sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

 Bản báo cáo cho thấy nhìn chung, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, nhưng cải cách không đồng đều và dường như cải cách đang chậm lại và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược.

Trong đó lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt). Thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020.  

Nhưng các vấn đề về nộp bảo hiểm xã hội năm 2020 không có nhiều sự thay đổi so với năm 2019. Và thủ tục đăng ký bất động sản và quản lý đất đai vẫn không có sự cải thiện qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 mà còn giảm điểm so với năm 2019. 

 Chi phí không chính thức là vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải. Và nguyên nhân lớn nhất gây ra sự phiền hà của doanh nghiệp là do ở cán bộ giải quyết hồ sơ và các quy định của pháp luật.

Chỉ ra xu hướng thay đổi trái ngược được báo cáo này phát hiện ra, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI  cho biết: các lĩnh vực có điểm số thấp ở những năm trước như phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu thì tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao ở những năm trước như thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng thì nay lại giảm điểm.  

Đánh giá về mức độ chuyển biến trên một số lĩnh vực trong Nghị quyết 02/NQ-CP trên cả nước

Đánh giá về mức độ chuyển biến trên một số lĩnh vực trong Nghị quyết 02/NQ-CP trên cả nước

Từ trải nghiệm của chính mình khi đi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết “Vẫn còn rất nhiều trở ngại không đáng có. Đối với một số lĩnh vực đặc thù, không đăng ký kinh doanh theo quy định chung thì sự phiền hà về thủ tục hành chính vẫn dậm chận tại chỗ nhiều năm nay”.  Chuyện của Luật sư Đức dẫn ra đã phần nào cho thấy nguyên nhân vì sao thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing business) của Ngân hàng thế giới vẫn thấp.

Không phải chỉ đến lúc công bố báo cáo này mới thấy rõ cải cách đang chậm lại, cải cách không đồng đều và dường như phiền hà, phức tạp lại trở lại trạng thái bình thường cũ. Biểu hiện rõ nhất là sau một thời gian ngắn cải cách có kết quả, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cắt bỏ thì thủ tục lại tiếp tục phình ra.

Doanh nghiệp không muốn tiến 3 lại lùi 1

Ngay như  các thủ tục liên quan đến xây dựng, dù được cải thiện trong thời gian qua, vẫn chưa thực sự dễ dàng với doanh nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Phan Đức HIếu nói: “Chỉ số về giấy phép xây dựng được cải thiện nhưng doanh nghiệp đâu chỉ làm   một cái giấy phép xây dựng mà còn nhiều thủ tục khác”.

Không có ý phủ định những cái trước nhưng ông Phan Đức Hiếu nêu thẳng thực tế không thể phủ nhận. Ông Hiếu nói: “Ai dám đảm bảo 50% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ trong thời gian qua không mọc trở lại. Chúng ta từng bãi bỏ nhiều giấy phép giai đoạn 2003 nhưng 10 năm sau lại xuất hiện trở lại. Hai năm qua số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu đã tăng thêm 120 văn bản”.

Tỷ lệ doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh có điều kiện

Tỷ lệ doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh có điều kiện

“Họ “thích” thì họ ra văn bản”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu. Ông Nam khá bức xúc vì  Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông ban hành nhiều thông tư để kiểm soát nhập khẩu thủy sản khiến cho danh mục hàng hóa phải kiểm tra càng nhiều, trong đó có những mặt hàng không đáng phải kiểm tra.

Vị Tổng thư ký Vasep cho biết theo trong luật và cả văn bản cập nhật hằng năm của WHO cũng không yêu cầu hàng chế biến phải kiểm dịch, chỉ kiểm dịch mặt hàng tươi ướp lạnh. Các nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch hàng thủy sản chế biến, đóng hộp, họ chỉ kiểm định dư lượng kháng sinh khi ăn đồ đó. Nhưng ở Việt Nam danh mục phải kiểm dịch là 100%.

Từ nhiều năm qua cho đến nay, Chính phủ luôn coi việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. 8 năm nay, tính từ năm 2014, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã  ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 đặt ra những nguyên tắc và mục tiêu quan trọng cho việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Nhưng thực tế thì mục tiêu đến năm 2020 có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã không đạt được. Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản. Chất lượng giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong năm 2020 có dấu hiệu giảm so với trước đó.

Bức tranh môi trường kinh doanh trong báo cáo VCCI vừa công bố cho thấy những đòi hỏi về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển trong những năm tới đã và đang tăng lên rất nhiều.

Chỉ có cải cách thực sự mạnh mẽ và chất lượng thì mới có được lực lượng doanh nghiệp khỏe và đạt được khát vọng thịnh vượng của quốc gia. Và chìa khoá cải cách chính là tư duy cải cách, Luật sư Trương Thanh Đức chốt lại.

Chìa khóa cải cách chính là “phải cải cách lớn, cải cách đồng bộ, cải cách thực sự đột phá thay vì chỉ cải biên, cải biến, cải tiến, cải thiện. Doanh nghiệp muốn tiến thẳng năm bước, mười bước, thay vì tiến được ba bước lại bị lùi một bước vì vấp rào cản như hiện nay Luật sư Trương Thanh Đức -  Giám đốc Công ty Luật ANVI phát biểu.  

Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia - DFAT tài trợ).

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.