Thứ tư, 27/01/2021, 07:55 AM

Ngành ô tô năm 2021: Nhu cầu tăng mạnh bởi giá xe giảm

(CL&CS) - Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu mua bị dồn nén tương đối lớn cùng với tâm lý tận dụng giai đoạn thị trường ô tô suy giảm để mua xe giá rẻ giúp lĩnh vực này phục hồi nhanh chóng và đà hồi phục có thể tiếp tục trong năm 2021.

Năm 2020, Vinfast Fadil tiêu thụ được 15.932 chiếc. (Ảnh: Vingroup)

Năm 2020, Vinfast Fadil tiêu thụ được 15.932 chiếc. (Ảnh: Vingroup)

Đó là nhận định mới đây của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research).

Năm 2020, Việt Nam bán 375.850 ô tô

Hoạt động sản xuất và lắp ráp ô tô chịu ảnh hưởng không đáng kể từ sự bùng phát dịch Covid-19, trong năm 2020, chỉ chịu sự gián đoạn nhỏ trong tháng 4 khi Chính phủ áp dụng quy định giãn cách xã hội kéo dài trong vòng 15 ngày trên toàn quốc. Sau đó, hoạt động này diễn ra bình thường cho đến hết năm.

Nhu cầu mua xe hồi phục nhanh nhờ những chính sách hỗ trợ xe trong nước. Tổng doanh số bán ô tô trong năm 2020 đạt 375.850 chiếc, giảm 5,8% so với cùng kỳ (YoY). Doanh số bán ô tô giảm mạnh nhất vào đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam (từ tháng 1/2020 - 5/2020), cụ thể giảm 34% YoY nhưng bắt đầu hồi phục nhanh từ tháng 6, thậm chí còn vượt mạnh doanh số năm ngoái trong vài tháng cuối năm.

Việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và ban hành những chính sách hỗ trợ như Nghị định 70/2020/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 7/2020 đã đóng góp quan trọng vào sự hồi phục mạnh của thị trường ô tô. Trong tháng 11/2020, thị phần xe trong nước tăng mạnh lên 65% (từ mức 62% trong năm 2019), trong khi thị phần xe nhập khẩu giảm còn 35%, cùng với sản lượng xe nhập khẩu giảm 24,3% YoY.

Nhu cầu tiêu thụ ô tô cao kích thích sản xuất nội địa

Thu nhập bình quân trên đầu người Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh, dự kiến ở mức 8-10%/năm trong vòng 10 năm tới. So sánh với các quốc gia trong khu vực, mức thu nhập bình quân hiện nay của Việt Nam đang tiến rất gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô. Ô tô sẽ sớm chuyển từ mặt hàng xa xỉ với chỉ 34 xe/1.000 người vào năm 2020 trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với tỷ lệ sở hữu xe cao như các nước trong khu vực.

Quy mô thị trường đã đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Trước đó, các nhà sản xuất ô tô chủ yếu nhập khẩu các mẫu xe vì quy mô thị trường chưa đủ lớn để lắp ráp xe trong nước. Tuy nhiên, khi thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về sản lượng tiêu thụ và thị phần ngày càng trở nên tập trung, lĩnh vực này đang thu hút nhiều vốn đầu tư hơn.

Top 10 doanh số xe bán chạy năm 2020 tại Việt Nam. (Ảnh: Xeoto)

Top 10 doanh số xe bán chạy năm 2020 tại Việt Nam. (Ảnh: Xeoto)

Hiện nay, sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn. Hiện trên thị trường có 6 thương hiệu mạnh chiếm 90% thị phần là Thaco, Huyndai, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda với doanh số bình quân 30.000 - 60.000 chiếc/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước (theo ước tính trước đây là 30.000 - 40.000 chiếc/ năm cho một nhà máy lắp ráp hoặc 10.000 - 20.000 chiếc/ năm cho mỗi mẫu xe).

Tổng cộng 4/6 thương hiệu ô tô hàng đầu đã công bố đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ô tô lớn chỉ trong hai năm gần đây và nhiều dự án lắp ráp khác sẽ triển khai trong thời gian tới như nhà máy Honda và Toyota mở rộng. SSI Research cho rằng quy mô thị trường Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn để lôi kéo các dự án đầu tư sản xuất ô tô quy mô lớn, tạo tiền đề cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất ô tô trong nước phát triển.

Việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022 - 2023, SSI Research cho rằng thị trường ô tô sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới.

Sẽ giảm dần thuế/ phí đối với ô tô: Sau nghị định 57/2020/ND-CP và Hiệp định EVFTA, ATIGA có hiệu lực, rất nhiều loại thuế phí đã được cắt bỏ và giá ô tô cũng giảm theo tương ứng. Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (tỷ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dòng xe), giúp thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ xe giá rẻ. Tuy nhiên, khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô còn tương đối thấp vì khoản này đóng góp tới 4,4% thu ngân sách nhà nước và khó có thể cắt giảm trong thời điểm thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực sau dịch Covid-19.

SSI Research cho rằng nhu cầu ô tô chịu ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch Covid-19 do nhu cầu đi lại giảm trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua bị dồn nén tương đối lớn cùng với tâm lý tận dụng giai đoạn thị trường ô tô suy giảm để mua xe giá rẻ giúp lĩnh vực này phục hồi nhanh chóng, và đà hồi phục có thể tiếp tục trong năm 2021. Ngoài ra, hầu hết người mua ô tô đều có thu nhập trung bình đến cao nên sức mua sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi đại dịch.

SSI Research ước tính ngành ô tô sẽ tăng trưởng 16,3% YoY về sản lượng tiêu thụ trong năm 2021 do nhu cầu mua ô tô tiếp tục duy trì ở mức cao. Kết quả này cao hơn 3% nếu so với kịch bản nếu không xảy ra Covid - 19.

Giảm thuế cho ô tô nhập khẩu từ E.U, theo Hiệp định EVFTA

Kể từ tháng 7/2020, mức thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô sẽ giảm dần từ mức 70% và 45% về 0% trong vòng 7 - 10 năm, tạo cơ hội cho các ô tô phân khúc cao cấp nhập khẩu có giá bán thấp hơn. Hiện tại, tác động từ mức giảm thuế nhập khẩu từ EVFTA còn nhỏ, nhưng sẽ đáng kể trong dài hạn khi ô tô cao cấp có giá cả phải chăng và cạnh tranh với ô tô tầm trung trong nước. Đồng thời, Nghị định 17/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 116/2017/NĐ-CP) có hiệu lực đã gỡ bỏ nhiều rào cản kỹ thuật đối với ô tô nhập khẩu, bao gồm yêu cầu khắt khe về VTA (Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu).

Nguyễn Như

Bình luận

Nổi bật

VinFast tăng tốc hướng đến mục tiêu dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam

VinFast tăng tốc hướng đến mục tiêu dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam

sự kiện🞄Chủ nhật, 14/04/2024, 20:10

(CL&CS) - Tự chủ về công nghệ trong sản xuất, sở hữu nền tảng hạ tầng vững chắc và mạng lưới phân phối dày đặc, việc VinFast đăng tuyển đại lý ủy quyền trên toàn quốc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư tin tưởng vào năng lực của hãng xe Việt. Theo các chuyên gia, VinFast đang hội tụ đầy đủ yếu tố để bứt tốc hướng đến mục tiêu trở thành hãng xe số 1 tại Việt Nam.

Xây dựng chiến lược mới để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Xây dựng chiến lược mới để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

sự kiện🞄Thứ năm, 11/04/2024, 14:15

(CL&CS) - Bộ Công Thương cho biết, để ngành ô tô Việt Nam phát triển, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cấp thiết.

Khách hàng khen chính sách bảo hành, hậu mãi của VinFast “10 điểm không có nhưng”

Khách hàng khen chính sách bảo hành, hậu mãi của VinFast “10 điểm không có nhưng”

sự kiện🞄Thứ tư, 10/04/2024, 08:41

(CL&CS) - Chính sách bảo hành và hậu mãi tuyệt vời kết hợp cùng chất lượng vượt trội, chi phí lăn bánh và vận hành siêu rẻ là những yếu tố tạo nên sức mạnh đa lợi thế của xe điện VinFast so với các đối thủ xe xăng.