Ngân hàng TMCP Việt Á: Lên sàn UPCoM với giá tăng kịch trần nhưng nhập nhèm nợ xấu?

(CL&CS) - Vừa qua, cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM theo chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Song, thuyết minh báo cáo tài chính của đơn vị này trong nhiều năm không được công bố, con số nợ xấu cụ thể vẫn còn bí ẩn nhưng lãi dự thu, chi phí dự phòng,... lại đang tăng chóng mặt. Việc gia nhập sàn chứng khoán của VietABank thu hút sự chú ý của giới đầu tư không chỉ vì độ nóng của cổ phiếu “dòng bank”, của sóng chào sàn, mà còn vì những câu chuyện nội tại.

Điều bí ấn về khoản nợ xấu?

HNX đã có thông báo về việc chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của VietABank. Theo đó, gần 445 triệu cổ phiếu VAB của VietABank được chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch tương đương gần 4.450 tỷ đồng.

Trong số cổ phiếu đăng ký giao dịch, số chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật là gần 24,8 triệu cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng này là của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát.

Theo tìm hiểu, VietABank được thành lập tháng 5/2003 dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng, với số vốn điều lệ ban đầu gần 76 tỷ đồng.

Từ khi hoạt động đến nay, VietABank đã có 18 lần tăng vốn điều lệ từ mức gần 76 tỷ đồng lên gần 4.450 tỷ đồng bằng các hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho cổ đông chiến lược, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, trái phiếu chuyển đổi.

Với số vốn điều lệ gần 4.450 tỷ đồng, cổ đông lớn hiện đang sở hữu 12,21% vốn của VietABank là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) của ông Phương Hữu Việt. Bên cạnh đó, VietABank còn có một cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Rạng Đông (sở hữu 7,35% vốn điều lệ), đây là một tập đoàn đa ngành được đánh giá là lớn nhất tại Bình Thuận.

Năm 2020, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 407,4 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019.

Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VietABank đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với cuối năm 2019. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của VietABank đạt 86,5 nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong hệ thống ngân hàng, VietABank khá kín tiếng về thuyết minh báo cáo tài chính của các năm. Trên trang web của ngân hàng, dù có báo cáo tài chính nhưng phần thuyết minh đều bị bỏ ngỏ. Do đó, con số nợ xấu cụ thể, các khoản phải thu cụ thể,... tại nhà băng này luôn bí ẩn đối với nhà đầu tư.

Theo BCTC hợp nhất năm 2020, tính đến cuối năm 2020 lãi dự thu tăng 11% so với đầu năm, lên mức 3.454 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi sau thuế năm 2020 chỉ đạt 332 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ lãi dự thu gấp 10,4 lần lợi nhuận sau thuế.

1

Về chất lượng nợ vay, tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của VietABank ở mức 1.111 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng hơn 10 lần từ mức 46,6 tỷ đồng lên 507,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 71,6%, từ mức 86,5 tỷ đồng lên 148,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 22,7% lên 456,1 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,18% lên 2,29%.

Đáng chú ý trong thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, VietABank phát sinh các khoản phải thu liên quan đến hoạt động mua bán nợ có tổng giá trị 1.571,8 tỷ đồng được ghi nhận trong khoản mục “tài sản có khác” trên báo cáo tài chính.

5911_Vieta

Lần đầu VietABank công bố chi tiết nợ xấu

Trước đây, VietABank khi công bố báo cáo tài chính thường sẽ không có phần thuyết minh báo cáo tài chính. Tuy nhiên, khi trở thành doanh nghiệp đại chúng thì việc này là bắt buộc nên trong báo cáo tài chính năm 2020 đã lần đầu được thuyết minh.

Cụ thể, khoản phải thu với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ LT liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bảo Ngọc Quỳnh Trang và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HPA Việt Nam với tổng giá trị 492,1 tỷ đồng; khoản phải thu với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới Việt Nam liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty TNHH Quản lý và Phát triển Năng lượng WSW (436,7 tỷ đồng) và Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Hoàng Hiệp Thăng Long (593 tỷ đồng); khoản phải thu với cá nhân Nguyễn Trọng Minh liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Lợi với giá trị 50 tỷ đồng.

Dư luận cho rằng, việc VietABank lên sàn giúp ngân hàng giảm áp lực về chi phí dự phòng rủi ro, lành mạnh hóa chất lượng tài sản và tạo đà tăng trưởng lợi nhuận cho các năm tiếp theo nhưng các khoản nợ cũng khiến những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, đây có thể là nghiệp vụ ngân hàng bán nợ cho đối tác để xử lý hộ. Qua đó sẽ giúp điều chuyển cho vay khách hàng sang “tài sản có khác”, làm tăng chất lượng dư nợ…

VietABank "đòi" thẻ nhà báo, không làm việc bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí?

Cũng liên quan đến những thông tin về nợ xấu của VietABank, PV đã liên hệ với đại diện của đơn vị này để có thêm những thông tin đa chiều. Tuy nhiên, khi PV đã gửi nội dung làm việc, kèm giấy giới thiệu của tòa soạn và chứng minh thư nhân dân theo đúng quy định của Luật báo chí tới trụ sở VietABank thì chỉ nhận được phản hồi từ đại diện bộ phần truyền thông đơn vị này là yêu cầu PV đến tác nghiệp phải có thêm thẻ nhà báo?

Theo ý kiến của nhiều luật sư, việc hạch sách, đòi hỏi phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo mới làm việc của VietABank là không đúng quy định...

vab

Một văn phòng giao dịch của VietABank (hình minh họa)

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HN, cho biết, từ thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy vẫn có nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số đơn vị, tổ chức. Có nhiều trường hợp, khi phóng viên được cơ quan báo chí cử đi đến một số đơn vị, tổ chức làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi ngoài giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ nhà báo.

Tuy nhiên đó là một số ít những người thiếu am hiểu pháp luật nên không nắm được việc này, vẫn phân biệt nhà báo với phóng viên dẫn đến có thái độ coi thường và không hợp tác để phóng viên tác nghiệp đúng luật. Cũng theo vị luật sư này, có những ý kiến cho rằng phóng viên phải có thẻ nhà báo là để đảm bảo về trình độ của người tác nghiệp, nhưng họ không hiểu hoạt động báo chí có đặc thù riêng, chất lượng bài báo không phụ thuộc vào việc họ đã được cấp thẻ nhà báo hay chưa mà phần lớn được điều chỉnh bởi khả năng phát hiện đề tài, phân tích thông tin.

Hơn nữa khi cơ quan báo chí có giấy giới thiệu cử phóng viên đi xác minh thông tin viết bài là đã có sự cân nhắc, lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ, bởi phía sau mỗi bài báo của PV được cử đi lấy thông tin viết bài còn có trách nhiệm của cả Ban biên tập tờ báo đó. Nếu các đơn vị tổ chức còn nghi ngờ không đúng người được cử đi tác nghiệp thì đề nghị cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân là đủ.

“Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Cụ thể, tại khoản 12, điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, vị luật sư này nhận định.

Bên cạnh đó, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo. Trong Nghị định 159, danh xưng ''phóng viên'' được đặt bên cạnh danh xưng ''nhà báo'' và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu​​​.

"Như vậy, nhà báo và phóng viên đều có trách nhiệm và quyền bình đẳng ngang nhau, đều được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Nếu họ bị cản trở, hành hung khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cũng được bảo vệ như nhau và không phân biệt họ là nhà báo hay phóng viên, có thẻ nhà báo hay chưa có thẻ'', vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HN nhận định.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Thực hành ESG: Bộ ba tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng

Thực hành ESG: Bộ ba tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 15:31

(CL&CS) - Hiện nay, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 là một hành trình đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp. Trong đó, các vấn đề về tài chính khí hậu đang là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên toàn cầu.

Top 10 Doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất gọi tên VPBank

Top 10 Doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất gọi tên VPBank

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 08:19

(CL&CS) - Trong khuôn khổ Lễ trao giải cuộc bình chọn Doanh nghiệp Niêm yết 2024 - Hội nghị Doanh nghiệp Niêm yết 2024 do HOSE tổ chức, VPBank chính thức được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất - nhóm vốn hóa lớn năm 2024.

VIB đóng hơn 3.102 tỷ đồng tiền thuế năm 2023

VIB đóng hơn 3.102 tỷ đồng tiền thuế năm 2023

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 07:12

(CL&CS) - Theo văn bản của Cục Thuế Doanh nghiệp lớn ngày 11/11/2024, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) đã hoàn tất nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước 8,5 tỷ đồng tiền thuế cho các năm 2022 và 2023, nâng tổng tiền thuế đã nộp cho năm 2023 lên 3.102 tỷ đồng.