Thứ hai, 23/09/2024, 13:58 PM

Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng nhờ áp dụng MFCA

(CL&CS) - Quản lý chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) là công cụ cải tiến hữu hiệu nhằm giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất của doanh nghiệp.

Công cụ quản lý cực kỳ hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

Công cụ MFCA (Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu) là phương pháp quản lý môi trường với nguyên bản được phát triển tại Đức nhưng đã được ứng dụng rộng rãi tại Nhật Bản và trở thành công cụ quản lý cực kỳ hiệu quả trong việc giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

nscl

Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng nhờ áp dụng MFCA quản trị dòng chi phí nguyên vật liệu

Với MFCA, các vấn đề sẽ được đưa ra bằng hình ảnh, số liệu minh họa cụ thể tạo sức thuyết phục lớn với Ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xác định và loại bỏ lãng phí. Nhờ vậy, công cụ này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và tiết kiệm chi phí.

Mô hình MFCA là phương pháp quản lý, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu. Phương pháp MFCA cũng đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO ban hành thành tiêu chuẩn 14051:2011. MFCA được cấu thành bởi 3 yếu tố chính, bao gồm nguyên liệu; dòng và kiểm toán chi phí. Yếu tố nguyên liệu đề cập tới mọi nguyên liệu thô, vật liệu phụ trợ, thành phần, chất xúc tác hoặc phần được sử dụng nhằm sản xuất ra sản phẩm. Bất kỳ nguyên liệu nào không trở thành một phần của sản phẩm cuối cùng được xem như là nguyên liệu thất thoát.

Trong bất kỳ quá trình nào, chất thải và nguồn thất thoát xảy ra trong những giai đoạn khác nhau của quá trình, bao gồm: Nguyên liệu thất thoát khi chế biến, sản phẩm bị lỗi, tạp chất; Nguyên liệu còn lại trong thiết bị sản xuất sau khi thiết lập; Vật liệu phụ trợ như dung môi, chất tẩy rửa để rửa thiết bị, nước; Nguyên liệu thô không sử dụng được vì bất kỳ lý do gì.

Với yếu tố dòng lưu chuyển của nguyên liệu, MFCA truy xuất nguồn gốc tất cả nguyên liệu đầu vào qua các quá trình sản xuất đồng thời đo lường các sản phẩm và nguyên liệu thất thoát (chất thải) bằng các đơn vị vật lý sử dụng công thức sau: Đầu vào = Sản phẩm + Nguyên liệu thất thoát (chất thải).

Yếu tố kiểm toán chi phí, theo MFCA, dòng và dự trữ nguyên liệu trong một tổ chức được truy xuất nguồn gốc và định lượng theo đơn vị vật lý, sau đó được gắn với chi phí liên quan. 4 loại chi phí được định lượng gồm: Chi phí nguyên liệu, chi phí hệ thống, chi phí năng lượng và chi phí quản lý chất thải.

Công cụ cải tiến MFCA không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà còn giúp cải thiện hoạt động môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững. Được biết, MFCA có thể áp dụng cho mọi tổ chức sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng, bất kể sản phẩm, dịch vụ, qui mô, cấu trúc, vị trí và hệ thống quản lí và kế toán hiện có của tổ chức.

MFCA có thể được sử dụng để tăng tính minh bạch của dòng nguyên liệu và sử dụng năng lượng, cùng với những chi phí và tác động môi trường liên quan, và hỗ trợ những quyết định tổ chức trên cơ sở thông tin thu thập được thông qua MFCA. Điều này có thể đạt được bằng 4 nguyên tắc cốt lõi trong sử dụng MFCA.

Nguyên tắc thứ nhất là hiểu dòng nguyên liệu và năng lượng sử dụng. Dòng của tất cả các nguyên liệu và năng lượng sử dụng cho mỗi khối lượng trung tâm cần được truy xuất nguồn gốc nhằm hiểu được cách thức các nguyên liệu được sử dụng và biến chuyển suốt theo cả quá trình.

Nguyên tắc thứ 2 là liên kết dữ liệu vật chất và tiền tệ. Thông qua MFCA, quá trình ra quyết định liên quan tới môi trường có thể được kết nối với thông tin tài chính qua mô hình dòng nguyên liệu, cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về chi phí thực tế của nguyên liệu và năng lượng sử dụng và các kết quả trong quá trình ra quyết định được cải thiện.

Nguyên tắc thứ ba là đảm bảo tính chính xác, tính đầy đủ và tính so sánh của dữ liệu vật chất. MFCA yêu cầu tất cả dữ liệu phải được xác minh và rằng mọi đầu vào và đầu ra đều được nhận diện và định lượng. Việc sử dụng chính xác và dữ liệu đầy đủ là quan trọng để xác định nguyên nhân và nguồn của mọi thiếu sót giữa đầu vào và đầu ra.

Nguyên tắc thứ tư là ước tính và phân bổ chi phí cho nguyên liệu thất thoát. Chi phí thực tế cần được phân bổ tới mọi nguyên liệu thất thoát cũng như sản phẩm. Khi thông tin chính xác không sẵn có, phân bổ chi phí nên chính xác và thực tế nhất có thể. Trong MFCA, thông tin về chi phí do nguyên liệu thất thoát là một trong những động lực chính đối với việc cải tiến quá trình.

Theo ThS Vũ Thắng Văn, Viện Năng suất Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, việc giảm chi phí sản xuất, vận hành, kinh doanh… luôn là mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp hướng tới. Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng công cụ quản lý chi phí dòng nguyên liệu (Material flow cost accounting - MFCA). Việc áp dụng công cụ MFCA giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro, hạn chế nguyên liệu dư thừa gây lãng phí, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cải tiến năng suất chất lượng nhờ MFCA

MFCA có thể áp dụng cho các ngành sử dụng vật liệu và năng lượng thuộc bất kỳ loại hình và quy mô nào, có hoặc không có hệ thống quản lý môi trường tại chỗ. Nó có thể coi là giải pháp thay thế cho các tổ chức xem xét vấn đề môi trường, bao gồm khan hiếm nguyên liệu, biến đổi khí hậu và các quy định ngày càng nghiêm ngặt về môi trường.

greenpan5

MFCA  nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp

Công ty Cổ phẩn Greenpan là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi vật liệu xây dựng truyền thống sang vật liệu xây dựng không nung từ năm 2017, đến nay tự hào đứng đầu Châu Á và top 5 toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất tấm cách nhiệt Panel.

Nhận thấy lợi ích tiềm năng của việc ứng dụng MFCA giúp giảm chất thải phát sinh, thì tiêu thụ nguồn lực khác cũng giảm tương ứng, bằng cách này sẽ cho phép tổ chức có trách nhiệm với môi trường hơn và tạo ra tác động môi trường ít hơn. Điều này cũng tạo điều kiện để gia tăng hiệu quả sản xuất do hoạt động xử lý chất thải ít hơn và chi phí sản xuất thấp hơn.

MFCA tiết lộ chi phí chất thải ẩn trong tài khoản chung, vì vậy thúc đẩy các quyết định giảm chất thải và mở rộng mối quan tâm về môi trường. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Greenpan đã đăng ký áp dụng công cụ MFCA thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 do Trung tâm SMEDEC 2 trực tiếp thực hiện.

Sau một thời gian nghiên cứu áp dụng MFCA tiết lộ chi phí chất thải ẩn trong tài khoản chung, vì vậy thúc đẩy các quyết định giảm chất thải và mở rộng mối quan tâm về môi trường. Từ đó loại bỏ lãng phí trong các thao tác thừa của người công nhân, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp.

Hay điển hình khác, sau khi áp dụng MFCA, Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng Miền Trung tiết kiệm gần 1 tỉ đồng/năm thông qua các giải pháp cải tiến tại công đoạn cắt và sơn, tăng năng suất 10% tại xưởng. Đại diện Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung cho biết, áp dụng MFCA để kiểm soát nguồn nguyên vật liệu giúp giảm thiểu tối đa phần phế liệu chảy ra trong quá trình sản xuất. Trước khi áp dụng MFCA, các nguyên vật liệu như thép tấm, thép hình chưa được kiểm soát chặt chẽ và bị lãng phí, tạo ra sản phẩm sai hỏng, chờ tận dụng và có sản phẩm không tận dụng được.

Qua tính toán, chi phí trước khi áp dụng MFCA ở công đoạn 1 là 31.963.000 đồng đối với lô sản xuất 15 cây kèo đỉnh; còn chi phí ở công đoạn 7 là 394.000 đồng. Sau khi áp dụng MFCA, chi phí ở công đoạn 1 đã giảm 14% và giảm 50% ở công đoạn 7. Nếu nhân với số lô sản xuất, ước tính trong 1 tháng, MFCA tiết kiệm được 117 triệu đồng và 1,4 tỷ đồng/năm.

Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm kết cấu thép của Đại Dũng luôn đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu đi 30 quốc gia trên thế giới. Theo chuyên gia, MFCA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức về hao phí, lãng phí trong sản xuất kinh doanh mà trước đây doanh nghiệp vẫn quan niệm lãng phí là đương nhiên. Kinh nghiệm từ doanh nghiệp này có thể chia sẻ và nhân rộng ở nhiều đơn vị sản xuất quy mô vừa và nhỏ, vốn chiếm tới gần 90% số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia năng suất của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã áp dụng công cụ này để đánh giá hoạt động cải tiến năng suất chất lượng tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Đầu tư Tam Minh. Công ty này đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất gỗ cũng như các sản phẩm nội thất; sở hữu một nhà máy sản xuất, chế biến gỗ khoảng 30.000 m2 tại Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, với hệ thống thiết bị công nghệ cao nhập khẩu từ Ý, Đức, Hàn Quốc.

Trong quá trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ MFCA, các chuyên gia năng suất đã giúp ban lãnh đạo và người lao động của công ty thấy được những lãng phí mà trước đây họ chưa nhận ra. Cụ thể: i) gỗ lưu kho chưa được bố trí ở nơi thích hợp, dẫn tới trong điều kiện thời tiết nóng ẩm gỗ bị mốc xanh, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; ii) quãng đường vận chuyển gỗ từ bộ phận lưu kho sang sản xuất chưa hợp lý, gây lãng phí; iii) thiếu các biện pháp an toàn trong quá trình vận chuyển sản phẩm, dẫn tới các sự cố rơi, đổ, vỡ… sản phẩm, gây thiệt hại kinh tế.

Sau khi tìm ra những nguyên nhân và hoạt động gây lãng phí trong sản xuất, để giúp doanh nghiệp thấy rõ hơn hiệu quả của việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất, các chuyên gia đã áp dụng MFCA trong nhiệm vụ sản xuất bàn đa năng (Stowaway). Sau khi phân tích sơ đồ dòng chảy nguyên liệu bằng MFCA, lập kế hoạch cải tiến sản  phẩm, cũng như quy trình liên quan, hiệu quả cho thấy rất rõ rệt: Chi phí sản xuất bàn thấp hơn so với trước; chất lượng sản phẩm hoàn thiện tốt nhờ quá trình bảo quản gỗ phù hợp với điều kiện thời tiết; quá trình vận chuyển nhanh, chi phí giảm nhờ tích hợp việc đóng gói và vận chuyển…

Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng thành công MFCA tại doanh nghiệp cụ thể đã phản ánh một bức tranh chân thực về hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu của doanh nghiệp, giúp họ thấy rõ mảng tối về việc lãng phí nguyên, nhiên vật liệu. Đây là điều mà có thể họ từng nghĩ tới nhưng chưa biết làm cách nào để đo đếm chính xác. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp doanh nghiệp nâng cao ý thức về cải tiến năng suất, chất lượng, áp dụng các công cụ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia về năng suất, chất lượng cho rằng thời gian tới cần hình thành phong trào áp dụng rộng rãi các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại các địa phương và doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp trọng điểm. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực cho các chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng đối với các công cụ năng suất, chất lượng; xây dựng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp...

Thái Bảo

Bình luận

Nổi bật

Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng nhờ áp dụng MFCA

Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng nhờ áp dụng MFCA

sự kiện🞄Thứ hai, 23/09/2024, 13:58

(CL&CS) - Quản lý chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) là công cụ cải tiến hữu hiệu nhằm giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất của doanh nghiệp.

Giới thiệu công cụ cải tiến Lean Six Sigma cho doanh nghiệp tại Long An

Giới thiệu công cụ cải tiến Lean Six Sigma cho doanh nghiệp tại Long An

sự kiện🞄Thứ hai, 23/09/2024, 09:42

(CL&CS)- Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã tổ chức hội thảo giới thiệu công cụ cải tiến quá trình thông qua mô hình Lean Six Sigma.

Công cụ cải tiến 5S giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm

Công cụ cải tiến 5S giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm

sự kiện🞄Thứ bảy, 21/09/2024, 14:07

(CL&CS)- Việc áp dụng các công cụ cải tiến được xem là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.