Dữ liệu cũ
Thứ ba, 01/10/2019, 05:54 AM

Nan giải xử lý chất thải điện năng lượng mặt trời

(NTD) - Thời gian gần đây, cả nước dấy lên phong trào phát triển điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) để cung ứng trong sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên việc xử lý chất thải từ nguồn năng lượng này lại là bài toán chưa tìm ra lời giải.

2
Tuổi thọ của pin mặt trời khoảng 20 năm và sau đó việc xử lý nó rất phức tạp và tốn kém. (Ảnh minh họa).

Tăng liên tục về diện tích, số lượng lắp đặt

ĐNLMT không chỉ là nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí. Với lợi ích này, hàng loạt doanh nghiệp, hộ dân đã đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời (PNLMT) để cung ứng cho sản xuất và tiêu dùng. Hiện diện tích và địa bàn sử dụng nguồn năng lượng này đã gia tăng đáng kể.

Chỉ riêng nửa đầu năm 2019, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) ghi nhận số lượng “chưa từng có trong lịch sử” với 90 nhà máy được đưa vào vận hành đồng loạt, so với năm 2018 chỉ có 3 nhà máy. Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện lớn nhất với lần lượt 15 nhà máy (tổng công suất 1.000MW) và 19 nhà máy (tổng công suất 871MW).

Bên cạnh đó, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Tây Ninh, Đồng Nai cũng gia tăng việc đầu tư nguồn năng lượng này. Cụ thể, Tây Ninh hiện đã có 8 nhà đầu tư đang triển khai thực hiện 10 dự án điện năng lượng mặt trời tại 4 huyện: Trảng Bàng, Bến Cầu, Tân Châu và Dương Minh Châu với tổng công suất là 808MW, tổng mức đầu tư là 19.646,4 tỷ đồng và tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án là 1.083ha, trong đó, gần 900ha sử dụng đất bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Còn ở Đồng Nai, tính đến cuối tháng 7/2019 đã có 640 khách hàng ký hợp đồng mua bán lắp đặt ĐNLMT mái nhà với Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai). Tổng công suất lắp đặt 14,9MWp (đơn vị đo năng lượng sinh ra, thường được sử dụng cho các thiết bị năng lượng mặt trời), tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm 2018.

 

1

Chất thải từ tấm PNLMT rất độc hại và chưa có biện pháp xử lý. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Nguy hại nhưng chưa có giải pháp

Theo nghiên cứu của nhóm ủng hộ hạt nhân Environment Progress (EP), pin mặt trời có thể sản sinh ra lượng chất thải độc hại trên mỗi đơn vị điện nhiều hơn cả các lò phản ứng hạt nhân. Sau khi hết hạn sử dụng, việc xử lý chất thải đối với loại pin này cũng là vấn đề gây đau đầu. Nhưng trớ trêu thay, hiện nay các dự án ĐNLMT, dùng PNLMT lại đang được khuyến khích và đầu tư rầm rộ.

Chất thải từ việc sản xuất PNLMT và chất thải sau khi đã qua vòng đời sử dụng tấm pin này, nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường.

Là doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, nói: “Hiện nay tấm pin này được làm bằng Silic, chất liệu tương tự các tấm kính. Cách xử lý là nghiền ra và chôn. Tuổi thọ PNLMT ở Việt Nam chưa được kiểm nghiệm nên tác hại đến cỡ nào doanh nghiệp còn chưa nắm kỹ”.

Báo cáo của EP cũng chỉ ra rằng các tấm năng lượng mặt trời sử dụng kim loại nặng, bao gồm chì, crom (Chromium) và cadimi (Cadmium) là những thứ có thể gây hại tới môi trường. Những rủi ro của chất thải hạt nhân là không phải bàn cãi và hoàn toàn có thể được chuẩn bị trước nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm thiểu những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Trong quy trình sản xuất các tấm pin mặt trời đều sử dụng các chất liệu nguy hiểm như axít sunphua và khí phosphine độc hại. Để tái sử dụng được các chất liệu này là cực kỳ khó khăn và các tấm năng lượng thường có vòng đời sử dụng rất ngắn.

Nhóm EP cũng chỉ ra rằng chất thải hạt nhân với rủi ro phóng xạ cao nhất cũng phân rã khá nhanh, trong khi chất thải năng lượng mặt trời sẽ còn tồn đọng trong môi trường trong khoảng thời gian dài hơn rất nhiều. Việc trữ các tấm pin này tại các bãi phân loại rác sẽ gây ô nhiễm toàn bộ khu vực.

Theo Cục Năng lượng Mỹ, tuổi thọ của một tấm pin mặt trời dao động từ 20-30 năm, tùy thuộc vào môi trường sử dụng. Về vấn đề này, ông Phan Trọng Khang, Quản lý các dự án điện mặt trời tại CTCP Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVN), cho biết: “Khi chúng ta không dùng pin mặt trời nữa thì buộc phải chôn xuống đất. Khu vực chôn chắc chắn sẽ không trồng trọt cây trái được.

“Phải mất thêm phần diện tích đất cho xử lý việc này, tuy nhiên hiện nay các giải pháp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và học tập từ nước ngoài” - ông Khang nói.

Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, việc xây dựng các tấm PNLMT làm tăng mạnh khí nhà kính nitrogen trifluoride (NF3), một loại khí mạnh hơn gấp 17.200 lần so với khí CO2. Vì các tấm pin này thường cực kỳ khó để tiêu hủy hoặc tái chế nên hiện nay các nước đã sử dụng như Mỹ, Nhật Bản cũng đang đau đầu trong việc tìm cách tái sử dụng kho chất thải năng lượng mặt trời đang ngày một dày lên.

Tính đến hiện tại, ngoài nhập khẩu, Việt Nam có 8 doanh nghiệp sản xuất tấm PNLMT là First Solar - Củ Chi, HT Solar - Hải Phòng, IREX Solar - Vũng Tàu, Vina Solar - Lào Cai, IC Energy - Quảng Nam, Trina Solar - Bắc Giang, JA Solar - Bắc Giang, Canadian Solar - Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị nào tìm ra phương pháp xử lý các chất thải sau vòng đời của tấm PNLMT cũng như các chất thải liên quan.

Vì vậy, các chuyên gia đầu ngành đề xuất, chính phủ nên có một chương trình để chủ đầu tư có một khoản chi phí dự trù cho việc xử lý những tấm pin sau khi hết hạn sử dụng. Vì hiện nay mỗi địa phương đều hướng đến xây dựng môi trường xanh sạch, thân thiện môi trường, trong khi đó pin mặt trời mang danh nghĩa đem lại nguồn năng lượng sạch thì không thể để nó thải ra môi trường quá nhiều chất độc hại như vậy. Một đề xuất khác cho rằng, nên hạn chế ồ ạt các dự án như hiện nay, cần có lộ trình và các công nghệ xử lý chất thải từ nguồn năng lượng này.

Kim Ngọc

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.