Thứ tư, 22/05/2024, 13:21 PM

Luật Đấu giá tài sản: Sẽ yêu cầu đặt cọc từ 10-20% tiền cọc để tránh tình trạng 'bỏ cọc'

Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc.

Chiều 21/5 vừa qua, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 17 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật cũng đã được thiết kế theo hướng gom nhóm tài sản trên cơ sở quy định của pháp luật điều chỉnh đối với tài sản đó như: quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...

Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu.

Liên quan đến vấn đề tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng; đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Tuy nhiên trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để hoàn thiện quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản nhằm ngăn chặn việc người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc.

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản.

Về các hành vi nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Quốc Chiến

Bình luận

Nổi bật

Tòa nhà mỏng nhất thế giới nằm trên 'phố tỷ phú' của thế giới: Sở hữu căn penthouse gần 64 triệu USD

Tòa nhà mỏng nhất thế giới nằm trên 'phố tỷ phú' của thế giới: Sở hữu căn penthouse gần 64 triệu USD

sự kiện🞄Chủ nhật, 16/06/2024, 11:38

Tòa tháp này được nhiều kiến trúc sư đánh giá đây là một trong những thành tựu ấn tượng nhất trong giới kiến trúc.

Địa phương có bãi biển được mệnh danh là ‘đệ nhất danh trà’ của xứ Thanh sắp lên thị xã, sớm trở thành đô thị hiện đại có mức sống cao trong tương lai gần

Địa phương có bãi biển được mệnh danh là ‘đệ nhất danh trà’ của xứ Thanh sắp lên thị xã, sớm trở thành đô thị hiện đại có mức sống cao trong tương lai gần

sự kiện🞄Chủ nhật, 16/06/2024, 10:50

Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để địa phương có thêm động lực phát triển du lịch mạnh mẽ.

TP. HCM sắp có siêu công viên lớn thứ 2 thành phố, quy mô 150ha, gấp 9 lần Thảo Cầm Viên

TP. HCM sắp có siêu công viên lớn thứ 2 thành phố, quy mô 150ha, gấp 9 lần Thảo Cầm Viên

sự kiện🞄Chủ nhật, 16/06/2024, 03:26

Dự án công viên với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng sẽ được đặt tại quận 12, TP. HCM.